Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

TIỀN GIANG


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

20/11/2011

CHÙA VĨNH TRÀNG - MỸ THO


Nằm ven tỉnh lộ 22 trên địa bàn xã Mỹ Phong cách thành phố Mỹ Tho chừng 3km về hướng Đông Bắc, chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ danh tiếng và hoành tráng bậc nhất ở miền Tây Nam bộ, được khởi dựng từ đầu thế kỷ 19 trên một vườn cây ăn trái rộng gần 2ha. Chùa có lối kiến trúc độc đáo mang đường nét Angkor kết hợp đường nét châu Âu tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh, vừa cổ kính mà cũng rất hiện đại.

 Chùa Vĩnh Tràng – Ảnh: Giang Sơn (nguồn panoramio.com)

Chùa Vĩnh Tràng – Ảnh: Giang Sơn (nguồn panoramio.com)

Nguyên là một thảo am được ông Bùi Công Đạt, một Tri huyện hồi hưu xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19 để làm nơi tu hành cho cả gia đình – người dân quanh vùng vẫn quen gọi là chùa Ông Huyện. Về sau ông đã mời hòa thượng Huệ Đăng về trụ trì và dạy chữ nghĩa cho con cái. Năm 1849, sau khi ông bà “huyện” qua đời, hòa thượng Huệ Đăng vẫn tiếp tục chăm lo công quả và đã được Phật tử bốn phương góp công, của xây dựng thành ngôi đại tự, đặt tên là Vĩnh Trường với ngụ ý “Vĩnh cửu đối sơn hà, Trường tồn tề thiên địa” nhưng trong dân gian vẫn quen gọi trại thành “Vĩnh Tràng”.

 Một góc khuôn viên chùa – Ảnh: nguồn thusinhnguyen.forum-viet.net

Một góc khuôn viên chùa – Ảnh: nguồn thusinhnguyen.forum-viet.net

Sau khi hòa thượng Huệ Đăng viên tịch, hòa thượng Thích Thiện Đề đã kế vị trụ trì. Đến khi hòa thượng Thích Thiện Đề cũng viên tịch, thì chùa Vĩnh Tràng đã bị rơi vào cảnh hương tàn khói tạnh không người chăm sóc. Đến năm 1890, các Phật tử đã đến chùa sắc tứ Linh Thứu thỉnh hòa thượng Quảng Ân - Chánh Hậu về trụ trì và đến năm 1895, vị hòa thượng này đã cho sửa sang xây dựng lại ngôi chùa.

Tượng đài Phật Di Lặc – Ảnh: nguồn thusinhnguyen.forum-viet.net 

Tượng đài Phật Di Lặc – Ảnh: nguồn thusinhnguyen.forum-viet.net

Năm 1904, một cơn bão đã làm cho chùa bị hư hỏng nặng. Trong những năm tứ 1907 - 1911, hòa thượng Quảng Ân - Chánh Hậu đã tiến hành đại trùng tu tôn tạo chùa, các phần mặt tiền, chánh điện và nhà tổ cũng được thiết kế trang trí lại mang đường nét hài hòa giữa kiến trúc Á - Âu, nhiều công trình được xây mới như cổng tam quan cao hơn 10m, làm thêm bể cá, mở rộng vườn cây…, mời điêu khắc gia Tài Công nguyên đảm nhận phần trang trí và tạc các tượng thờ trong chùa.

 Tượng đài Phật Di Đà – Ảnh: nguồn thusinhnguyen.forum-viet.net

Tượng đài Phật Di Đà – Ảnh: nguồn thusinhnguyen.forum-viet.net

Cổng tam quan chùa hiện nay là một công trình độc đáo, được các nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933, với nghệ thuật ghép các mảnh sành, sứ tạo thành những bức tranh mang điển tích nhà Phật hay cốt truyện dân gian, những đề tài hoa lá, tứ linh, tứ quý… vừa hài hòa trong sắc màu vừa thể hiện được vẻ đẹp sắc sảo, tráng lệ. Tại tầng lầu thượng có vòm cửa rộng, bên trái đặt tượng hòa thượng Minh Đàn, bên phải đặt tượng hòa thượng Chánh Hậu được điêu khắc gia Nguyễn Phi Hoanh đắp bằng xi-măng theo kích thước người thật.

 Cổng chùa Vĩnh Tràng – Ảnh: nguồn thusinhnguyen.forum-viet.net

Cổng chùa Vĩnh Tràng – Ảnh: nguồn thusinhnguyen.forum-viet.net

Chùa Vĩnh Tràng được thiết kế theo dạng chữ “quốc”, có diện tích 14.000m² (70 x 20m) gồm bốn gian nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu) được xây dựng bằng xi-măng và gỗ quý, trên nền cao 1m và chung quanh có tường xây vững chắc. Tại khu chánh điện, nhiều pho tượng và bao lam bằng gỗ qúy được hình thành từ những bàn tay tài hoa của người thợ vùng sông nước Nam bộ, từ những pho tượng như A Di Đà, Thích Ca, La Hán… trong số đó phải kể đến bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú, bộ Thập bát La Hán bằng danh mộc có bề cao mỗi tượng khoảng 0,8m được thực hiện vào những năm 1907 - 1908 với nghệ thuật khắc chạm độc đáo, rất hiếm thấy tại những ngôi chùa khác.

 Những bức tượng La Hán sống động được làm bằng gỗ quý sơn son thếp vàng – Ảnh: Nguyễn Luân (vietnam.vnanet.vn – 27.9.2011)

Những bức tượng La Hán sống động được làm bằng gỗ quý sơn son thếp vàng – Ảnh: Nguyễn Luân (vietnam.vnanet.vn – 27.9.2011)

Chùa Vĩnh Tràng hiện có trên 60 tượng Phật bằng đủ loại chất liệu, từ gỗ, đồng đến đất nung, xi-măng được tạo từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX và đều được thếp vàng, riêng bộ tượng Tam Tôn (Di Đà cao 98cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93cm), tượng Ngọc Hoàng có kích thước như người thật được tạo tác bằng đồng từ giữa thế kỷ XIX. Di vật của chùa còn có đại hồng chung mang tên Bảo Pháp cao 1,2m, nặng 150kg được đúc vào tháng 5-1854 thời vua Tự Đức, trên có khắc chữ “Vĩnh Trường tự” nhưng hiện không sử dụng được do bị ngâm nước khá lâu trong thời gian bị thất lạc.

 Du khách nước ngoài tham quan chùa Vĩnh Tràng – Ảnh: Nguyễn Luân (vietnam.vnanet.vn – 27.9.2011)

Du khách nước ngoài tham quan chùa Vĩnh Tràng – Ảnh: Nguyễn Luân (vietnam.vnanet.vn – 27.9.2011)

Chùa Vĩnh Tràng có khuôn viên khá đẹp được trang điểm bởi nhiều cây cảnh, non bộ, đài phun nước… Tại đây còn có hai tượng Phật Di Lặc và Phật Di Đà đặt lộ thiên giữa khuôn viên càng làm tôn thêm vẻ lộng lẫy của ngôi cổ tự giữa màu xanh cây lá. Du khách đến Tiền Giang nên bỏ chút thời giờ ghé thăm Chùa Vĩnh Tràng, để được biết về một kiến trúc nổi tiếng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1987.

Mai Kim Thành     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành