Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

YÊN BÁI


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

11/07/2012

TỪ CHỢ ĐÁ QÚY ĐẾN TRANH ĐÁ QÚY LỤC YÊN


Nếu dư luận Yên Bái đã từng xôn xao với viên ruby “Ngôi sao Việt Nam” tìm thấy tại mỏ đá qúy Tân Hương (xã Tân Hương - huyện Yên Bình) năm 1997, được đánh giá lớn nhất Việt Nam với trọng lượng 2.160grs (tương đương 10.800 caras), thì người dân Yên Bái càng có lý do để tự hào khi vào ngày 22-11-1999, Nhà nước đã quyết định giữ viên ruby này làm bảo vật quốc gia tại văn bản số 5346/VPCP của Văn phòng Chính phủ. Điều này đã khẳng định Yên Bái là quê hương của đá qúy, và cũng không lạ khi nơi đây tồn tại một cái chợ có cái tên nghe rất kêu nhưng thực sự “chẳng giống ai” cả về qui mô lẫn hình thức: “Chợ đá qúy Lục Yên”.

Viên Ruby “Ngôi sao Việt Nam”  

Viên Ruby “Ngôi sao Việt Nam” – Ảnh tư liệu của Kỹ sư An (nguồn doji.vn)

Nguyên vào những năm 1991 - 1992 khi nghe tin trên địa bàn huyện Lục Yên phát hiện có đá qúy, dân tứ xứ đã đổ về đây đào đãi rất đông kéo theo làn sóng dân địa phương bỏ nghề làm ruộng để vô rừng tìm đá. Những người này khi tìm được chút đá lại mang về chợ bán đã hình thành nên chợ đá qúy. Tiếng lành đồn xa, chợ đá qúy đã thu hút nhiều khách thập phương kể cả từ các nước lân cận như Lào, Thái Lan tìm đến mua hàng. Trong thời cao điểm, nơi đây đã có đến hàng trăm gian hàng lớn, nhỏ với việc mua, bán nhộn nhịp, đông vui.

 Chợ đá qúy Lục Yên

Chợ đá qúy Lục Yên – Ảnh: Trọng Chính (tuoitre.vn)

Lục Yên đã từng có đến hai công ty liên doanh khai thác đá qúy Việt - Nga và Việt - Thái được thành lập nhưng chỉ khai thác một thời gian ngắn đã phải rút đi vào cuối năm 2000 để lại mỏ cho dân tự do khai thác. Lý do là những bãi đá qúy ở đây không thích hợp với cách khai thác quy mô lớn mà chỉ phù hợp với lối khai thác thủ công.

Vào mỗi sáng tinh mơ đã thấy hàng trăm người lên rừng, lang thang dọc suối tìm nhặt từng viên đá lộ thiên. Nhặt hoài cũng hết, họ phải đi sâu vào các hang động tìm kiếm. Rồi đến lúc các hang động cũng cạn kiệt, nhiều người lại đưa máy móc lên rừng đào hầm móc hố sâu vào lòng núi và số đất đào sẽ được đãi trong các bồn gỗ để tìm đá qúy. Nếu may mắn gặp được saphia, ruby đạt chuẩn (viên to, trong suốt, màu chuẩn, không vết rạn) thì bán kiếm được vài trăm triệu cũng là chuyện bình thường, nhưng đa phần đều chỉ gặp đá màu, cũng có thể cả ruby, saphia cấp thấp (vỡ rạn, hạt nhỏ), chỉ sử dụng được vào việc làm tranh.

 Đào hầm tìm đá qúy

Đào hầm tìm đá qúy – Ảnh: nguồn chodacanh.com

Chợ đá Lục Yên được bố trí tại một địa điểm khá đẹp ở góc hồ nước thuộc thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên - tỉnh Yên Bái), cách quốc lộ 70 khoảng 10km về phía Đông và cách thành phố Yên Bái chừng 60km về phía Bắc. Chợ họp cả tuần nhưng chỉ vài ba tiếng vào buổi sáng và đông vui nhất là vào ngày Chủ nhật. Tùy theo mùa và thời tiết mà phiên chợ diễn ra sớm hay muộn nhưng áng chừng cỡ 6 giờ rưỡi sáng đã thấy người bán hàng túc tắc đến chợ. Với nguồn đá qúy ngày càng cạn kiệt thì chợ đá qúy cũng teo tóp dần theo thời gian, hiện chỉ còn lại hơn chục người bán nhưng cũng đủ tạo nên sắc thái riêng hấp dẫn khách du lịch.  

 Như một phiên chợ “cóc”

Như một phiên chợ “cóc” – Ảnh: nguồn bee.net.vn

Không lều chỏng hay bàn tủ cầu kỳ, “cơ sở” trưng bày hàng là những chiếc bàn nhỏ cỡ chừng 50 x 60cm, cao chừng 40cm, thêm một chiếc ghế nhựa vuông thấp cho người bán ngồi nữa là đã thành một sạp bán hàng di động, không thể đơn giản hơn (!). Trên mặt bàn rãi đầy những viên đá qúy lóng lánh đủ màu sắc. Đó có thể là đá qúy hoặc đá bán qúy, có thứ đã qua chế tác, cũng có thứ còn ở dạng thô… Thông thường đá qúy thu gom từ những người đào đãi về, nếu có thời gian thì chế tác thành mặt nhẫn, dây chuyền, hoa tai…, số còn lại chỉ là loại đá non tuổi nhưng nhờ màu sắc phong phú, được bán theo cân, lạng để sử dụng làm tranh đá qúy.

 Người mua là cánh mày râu

Người mua là cánh mày râu – Ảnh: Ngân Khánh (nguồn laodong.com.vn)

Khách mua hàng, ngoài những người kinh doanh đá qúy hay những người thợ chế tác tìm mua nguyên liệu, còn có không ít người nghe tiếng mà tìm đến xem và mua đá qúy làm vật kỷ niệm. Điểm đặc biệt tuy người bán đều là phụ nữ nhưng người mua đa phần lại là cánh đàn ông. Giá bán cũng thật linh hoạt tùy theo chất liệu đá, có thể vài chục ngàn, vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu, chục triệu… nhưng bán được, mua được hay không còn tùy ở sự mặc cả và thuận mua vừa bán. Người mua thoải mái ngắm nghía, cầm lên đặt xuống từng viên đá, và còn phải dùng đến cả đèn pin săm soi đủ mọi góc cạnh để chắc rằng viên đá chọn mua không có các tỳ vết hay nứt, vỡ.

 Kiểm tra đá qúy

Kiểm tra đá qúy – Ảnh: Ngân Khánh (nguồn laodong.com.vn)

Đá qúy Việt Nam khá đa dạng và phong phú, có mặt cả trong Nam ngoài Bắc, chủ yếu tại bốn địa phương Di Linh (Lâm Đồng), Đăk Min (Đăk Nông), Qùy Hợp (Nghệ An), Lục Yên (Yên Bái) gồm 15 chủng loại được phân bố như sau:

- Ruby khai thác ở Yên Bái, Nghệ An thuộc loại đá qúy nhóm 1, có màu đỏ đậm, đỏ tươi, đỏ hồng đến hồng nhạt, độ cứng cao (độ 9).

- Saphia khai thác ở mỏ Lục Yên, Nghệ An (thường có màu xanh Cửu long tươi), Tây nguyên, Lâm Đồng (thường có màu xanh đen). Đây là đá qúy nhóm 1 cùng công thức hóa học với Ruby, do có nguyên tố vi lượng khác nhau nên tạo màu khác nhau, màu xanh Cửu long đậm đến tươi, xanh đen tùy thuộc vào mỏ.

- Spinel khai thác chủ yếu ở mỏ Lục Yên, là đá qúy nhóm 2, độ cứng 8, có màu đỏ phớt cam, hồng, nâu, xanh tím.

- Peridot khai thác ở Tây nguyên có màu xanh lục tươi hơi vàng.

- Opal khai thác ở Tây nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, màu sắc đa dạng gồm xanh lục đậm, xanh lục tươi, nâu, vàng nâu, vàng, trắng, tím.

- Thạch anh hồng (Rose quartz) khai thác ở Tây nguyên, độ cứng 7, có màu hồng nhạt.

 Đá qúy bày bán tại chợ đá qúy Lục Yên

Đá qúy bày bán tại chợ đá qúy Lục Yên – Ảnh: nguồn tinmoi.vn

- Tourmaline khai thác ở Yên Bái, Vĩnh Phúc, có màu xanh, hồng, đen.

- Calcite khai thác ở Yên Bái, Hải Dương, Nghệ An, trong suốt không màu.

- Pargacite khai thác ở Yên Bái có màu xanh lục tươi, nõn chuối.

- Berin khai thác ở Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, có màu xanh da trời, xanh nước biển.

- Fluorit khai thác ở Cao Bằng, Tuy Hòa, có màu xanh da trời, tím, xanh Cửu long.

- Granat khai thác ở Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa, có màu đỏ đậm, đỏ nâu, nâu.

- Zicon khai thác ở Bình Thuận, có màu nâu, vàng nâu, không màu.

- Anmetit (thạch anh tím) được khai thác ở Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa, có màu tím, tím hồng.

- Thạch anh ám khói khai thác ở Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, có màu nâu.

Những bộ tranh đá quý độc đáo  

Những bộ tranh đá quý độc đáo – Ảnh: Lê Anh Dũng (Vietnamnet.net)

Đá Lục Yên được đánh giá là đẹp với nhiều màu sắc phong phú. Tận dụng nguồn mảnh vụn khá dồi dào khi chế tác, người Lục Yên đã sáng tạo nên một dòng tranh đá qúy khá độc đáo. Đây là loại tranh được làm từ 100% nguyên liệu là nguồn đá qúy dồi dào tại địa phương. Tuy chỉ với hai chất liệu đá vụn (gọi là đá mắt tôm) và keo 502, lại không phải pha màu như các họa sĩ vẽ tranh nhưng việc làm tranh đá qúy cũng đòi hỏi lắm công phu, từ khâu sơ chế đá, chuốt đá, chọn đá màu đến vẽ tranh, ghép đá… Cái khó trong tranh đá qúy là làm sao để những hạt đá màu li ti thể hiện được những hình ảnh mượt mà, sống động, trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự chứ không chỉ dừng lại ở những mảng màu sắc đậm nhạt đơn thuần.

 Chế tác tranh đá qúy

Chế tác tranh đá qúy ở Lục Yên – Ảnh: nguồn tinmoi.vn

Dù mới hình thành được vài năm nhưng làng tranh đá qúy xem ra nhiều triển vọng bởi hiện đã có đến 50 cơ sở sản xuất tranh, chủ yếu tập trung ở thị trấn Yên Thế. Vẫn là cách chép lại từ các bức tranh có sẵn nhưng ngày nay tranh đá Lục Yên không chỉ dừng lại ở một số mẫu tranh dân gian đơn giản như Đông Hồ (Bắc Ninh) hay Hàng Trống (Hà Nội), những chiếc đĩa, quạt có chữ thư pháp… mà ngày càng xuất hiện những bức tranh khổ lớn, làm theo đặt hàng của khách phỏng theo các tác phẩm nổi tiếng thế giới. Giờ đây những bức tranh đá qúy Lục Yên với mức độ tinh tế khó ngờ đã có mặt tại Hà Nội hay các thành phố lớn, thậm chí ra nước ngoài, đã thuyết phục được cả những người chơi tranh khó tính.

 Vẽ mẫu cho tranh đá quý

Vẽ mẫu cho tranh đá quý – Ảnh: nguồn bee.net.vn

Quả là trong cái khó đã “ló” cái khôn, người dân Lục Yên bằng lao động cần cù chịu thương chịu khó, đã biết vận dụng sáng tạo nguồn tài nguyên qúy giá từ thiên nhiên, kể cả những thứ tưởng phải bỏ đi để làm nên những sản phẩm độc đáo. Rất có thể tranh đá qúy Lục Yên sẽ sớm trở thành một thương hiệu làng nghề mới, một dòng tranh nổi tiếng không kém gì dòng tranh “giấy Dó” Đông Hồ đã từng hấp dẫn biết bao người và khách du lịch.

 Một bức tranh đá qúy

Một bức tranh đá qúy – Ảnh: Ngân Khánh (nguồn laodong.com.vn)

Vậy là đã tròn hai mươi năm từ khi cơn bão “đá qúy” quét về, Lục Yên vẫn còn duy trì được chợ đá qúy, nay lại thêm dòng tranh độc đáo có tương quan mật thiết với cái chợ “đặc sản” nhiều duyên nợ, trở thành nét riêng dí dỏm của tỉnh Yên Bái, nơi đã từng nổi tiếng với di tích quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải mê mẩn nhiều giới nhiếp ảnh, với hồ Thác Bà mênh mông là trung tâm du lịch sinh thái đầy tiềm năng… Một điểm tham quan làng nghề và mua sắm thú vị đến vậy lẽ nào lại không thể lọt vào tầm ngắm của các nhà thiết kế tour du lịch ?!…  

Mai Kim Thành     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành