Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Indonesia


INDONESIA

ĐÔNG NUSA TENGGARA


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".

 


» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

23/09/2013

VƯỜN QUỐC GIA KOMODO (INDONESIA)


Nằm tại trung tâm Indonesia thuộc khu vực quần đảo Nusa Tenggara, đảo rồng Komodo hay Vườn quốc gia Komodo được thành lập năm 1980 với mục đích ban đầu là bảo vệ giống Rồng Komodo, một loài thằn lằn duy nhất trên thế giới còn sót lại từ thời tiền sử hiện chỉ sống trên các đảo Komodo, Rinca, Gili Motang, Nusa Kode của Indonesia trong đời sống hoang dã, có liên hệ mật thiết với loài khủng long đã tuyệt chủng sống cách nay hàng triệu năm…

NHẬN DIỆN SINH VẬT THỜI TIỀN SỬ

Được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1910 tại đảo Komodo (Indonesia), Rồng Komodo (Komodo Dragon) có tên khoa học “Varanus komodoensis” thuộc họ Kỳ đà (Varanidae), là một trong số những loài Thằn lằn lớn nhất thế giới với chiều dài có thể đến 3m và nặng trên 160kg. Một số thông tin cho rằng hiện vẫn còn loài Rồng Komodo sống ở các khu rừng nhiệt đới phía Bắc Australia với kích thước lớn gấp ba lần nhưng thực tế vẫn chưa được kiểm chứng. Có điều các nhà khoa học đã phát hiện những hóa thạch loài Rồng Komodo ở bang Queenland (Australia) được cho là đã biến mất cách đây 19.000 năm, với kích thước lớn gấp hai lần Rồng Komodo đang tồn tại ở Indonesia.

 Sinh vật còn sót lại từ thời tiền sử

Rồng Komodo, sinh vật còn sót lại từ thời tiền sử – Ảnh: nguồn portalnet.cl

Rồng Komodo có tuổi thọ trung bình 30 năm nhưng cũng có thể lên đến 50 năm. Chúng thường mất từ 3 - 5 năm để trưởng thành và đạt độ chín về sinh sản ở độ tuổi 8 - 9. Mùa sinh sản của Rồng Komodo thường vào tháng Chín, mỗi Rồng cái đẻ chừng 20 trứng trong tổ rồi vùi cát lại, trứng sẽ mất đến 8 tháng để phôi phát triển và nở thành Rồng con vào tháng Tư năm sau. Trứng Rồng Komodo dai, dính như cao-su và lớn dần khi phôi trứng phát triển, có thể đến 150% so với thể tích ban đầu. Đặc biệt Rồng sắp nở sẽ chui ra khỏi vỏ trứng nhờ chiếc răng sắc nhọn được gọi là “răng trứng” và răng này sẽ rụng ngay khi Rồng con rời khỏi vỏ trứng bắt đầu cuộc sống mới. Rồng con sẽ không được Rồng bố mẹ bảo vệ mà phải tự bươn chải kiếm ăn, do vậy chúng thường dễ bị ăn thịt bởi kẻ thù, đáng kể nhất là bởi… đồng loại.

 Rồng con sắp chào đời

Một Rồng con sắp chào đời – Ảnh: nguồn vietnamnet.vn

Cũng như những loài bò sát máu lạnh khác, Rồng Komodo thường giảm thiểu tối đa các hoạt động để bảo tồn năng lượng, nhưng khi cần chúng vẫn có thể phát huy tổng lực để tăng tốc độ đến 20km/giờ khi săn mồi hay chạy trốn kẻ thù. Rồng Komodo rất giỏi bơi lội, có thể lặn sâu 4 - 5m để săn mồi và còn có khả năng leo trèo khá chuyên nghiệp nhờ những chiếc móng vuốt rất sắc và khỏe. Tuy có lỗ tai khá lớn nhưng thính giác của chúng không thực sự nhạy bén và cũng chỉ nghe được những âm thanh cách xa tối đa 300m và từ 400 - 2.000 hertz. Do võng mạc chỉ chứa các "nones" nên thị lực cũng khá kém, duy chỉ có chiếc lưỡi chẻ đôi rất lợi hại được dùng như khứu giác, có thể phát hiện xác thối từ cách xa 4 - 9km.

 Chiếc lưỡi chẻ đôi lợi hại

Rồng Komodo với chiếc lưỡi chẻ đôi lợi hại – Ảnh: nguồn allposters.com.au

Món ăn chính của Rồng Komodo chủ yếu là Nai và Lợn lòi hoang dã nhưng khi đói chúng cũng có thể tấn công cả những con vật nhỏ như Chim, Chuột và đồng loại nhỏ xác hơn… Sở hữu bộ máy tiêu hóa khá hoàn hảo, Rồng Komodo có thể ăn liền một lúc lượng thức ăn bằng 80% trọng lượng cơ thể của chúng và mặc dù không có răng như cá Sấu hay những loài săn mồi khác nhưng Rồng Komodo có thể xé nát một con Trâu trong vài giờ, đặc biết nhờ có chứa những dịch tiêu hóa giống như loài Rắn, chúng có thể xơi hết mọi thứ, từ lông, da, thịt đến xương, móng…

Nước dãi - thứ vũ khí đáng sợ  

Nước dãi - thứ vũ khí đáng sợ của Rồng Komodo – Ảnh: nguồn infonet

Rồng Komodo thường tiết nhiều nước dãi có chứa vi khuẩn nguy hiểm được xem là vũ khí lợi hại của chúng. Các nhà khoa học ở Trường đại học Texas đã xác định được 57 loại vi khuẩn khác nhau trong miệng Rồng hoang dã. Trong một nghiên cứu gần đây, nhà khoa học Bryan Fry (Đại học Queensland - Australia) đã phát hiện hai tuyến độc ở hàm dưới Rồng gồm một vài loại protein độc gây nên tình trạng thoái hóa mô nhanh chóng và mất máu, máu ở vết thương không thể vón cục, thần kinh bị tê liệt và đau đớn cùng cực làm cho con mồi nhanh chóng suy yếu. Do vậy dù không hạ gục được những con mồi lớn ngay lập tức, nhưng bất kỳ vết cắn nào cũng sẽ làm con mồi nhiễm trùng và dẫn đến tử vong. Trong trường hợp này chúng chỉ cần theo dấu và chờ đến khi con mồi gục ngã, sẽ ung dung tận hưởng thành quả sau những ngày đói lòng chờ đợi.

 Tận hưởng thành quả

Ung dung tận hưởng thành quả – Ảnh: nguồn colibri-photos.com

Hiện nay trong thế giới hoang dã chỉ còn 4.000 - 5.000 cá thể Rồng Komodo và theo phỏng đoán của giới chuyên môn thì chỉ chừng 300 Rồng cái có khả năng sinh sản. Số lượng của loài Rồng Komodo từ khi phát hiện đến nay không thay đổi nhiều, đang khi hệ sinh thái của chúng bị thu hẹp do nhiều lý do như núi lửa phun trào, nạn cháy rừng, sự xâm lấn của con người… đặt ra vấn đề cần bảo vệ khẩn cấp loài Rồng Komodo.

VƯỜN QUỐC GIA KOMODO, ĐIỂM DU LỊCH KỲ THÚ

Với mục đích ban đầu là bảo vệ giống Rồng Komodo - loài thằn lằn duy nhất trên thế giới còn sót lại từ thời tiền sử và chỉ hiện diện tại Indonesia trong đời sống hoang dã, Vườn quốc gia Komodo đã được thành lập năm 1980 tại khu vực Wallacea giữa ranh giới hai tỉnh Đông Nusa Tenggara và Tây Nusa Tenggara, gồm 3 hòn đảo lớn Komodo, Rinca, Pupar cùng một số đảo nhỏ khác có nguồn gốc núi lửa thuộc quần đảo Nusa Tenggara. Khu vực này có tổng diện tích 1.817km² bao gồm 603km² mặt đất, đã được xác định bởi Qũy toàn cầu vì thiên nhiên (WWF) và bảo tồn quốc tế như một khu vực ưu tiên bảo tồn toàn cầu.

 VQG Komodo - di sản thế giới

Vườn quốc gia Komodo - di sản thế giới – Ảnh: nguồn pompei-hotels.com

Từ năm 1986, Vườn quốc gia Komodo đã mở rộng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm các hệ động thực vật dưới biển và trên mặt đất, diện tích cũng được mở rộng đến 2.321km². Những nỗ lực này đã nhanh chóng được UNESCO và Ủy ban Con người - Sinh quyển thế giới (MAB) ghi nhận, và ngay trong năm 1986 đã đưa Vườn quốc gia Komodo vào mạng lưới Khu dự trữ Sinh quyển thế giới. Do tầm quan trọng sinh học đặc biệt của Vườn quốc gia Komodo, UNESCO đã công nhận nơi này là di sản thế giới vào năm 1991.

 Bản đồ Vườn quốc gia Komodo

Bản đồ Vườn quốc gia Komodo – Ảnh: nguồn indonesiatraveling.com

Là một trong những môi trường biển giàu nhất thế giới và phát triển tốt nhất so với các bờ biển trong khu vực, Vườn quốc gia Komodo quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo và rất có giá trị - từ góc độ bảo tồn một số loài đặc hữu đến các rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, các vịnh cùng những dãy núi hoang sơ… Tuy chiếm diện tích không lớn trong tổng diện tích vườn quốc gia nhưng rừng nơi đây đã góp phần đáng kể đa dạng sinh học qua việc phát triển hệ thực vật phong phú và đa dạng.

 Thảm thực vật rừng phong phú

Thảm thực vật rừng phong phú – Ảnh nguồn baogiaoduc.com.vn

Vườn quốc gia Komodo tập trung hơn 260 loài san hô và vẫn đang kiến tạo những rạn san hô mới; 70 loài khác nhau của bọt biển, các loài động vật giáp xác, sụn bao gồm cả cá Đuối và cá Mập; hơn 1.000 loài khác nhau của các loài cá có xương, các loài bò sát biển bao gồm cả Rùa biển, động vật có vú như Bò biển, cá Voi (14 loài), cá Heo, cá Nược… Các loài động vật trên cạn không nhiều, trong đó có một số loài qúy hiếm như Rồng Komodo, Nai Timor, Chuột rừng đặc hữu Rinca, Gà chà chân cam, Khỉ đuôi dài, Dơi ăn quả, Cầy hương, Ngựa hoang dã, Trâu, Heo rừng… cùng một số loài bò sát nguy hiểm như rắn Hổ mang, rắn Hổ Russel… Theo ghi nhận, đa phần trong số các loài có vú đều có nguồn gốc châu Á, một số loài bò sát và các loài chim có nguồn gốc từ châu Úc.

 Đa dạng sinh học biển VQG Komodo

Đa dạng sinh học biển VQG Komodo – Ảnh: nguồn baligay.net

Hiện trong khu vực vườn quốc gia Komodo đang có chừng 4.000 cư dân sinh sống, phần lớn họ là ngư dân có nguồn gốc từ Bima trên đảo Sumbawa, số khác đến từ Manggarai, Nam Flores và Nam Sulawesi. Trong nỗ lực bảo vệ tài nguyên rộng lớn của khu vực Vườn quốc gia Komodo và đa dạng sinh học đảo Rồng Komodo, các tổ chức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các chuyên gia bảo vệ môi trường, các nhà khoa học đang cùng vào cuộc, tìm hiểu sâu hơn về loài rồng Komodo, đồng thời cũng tích cực bảo vệ chúng tránh khỏi những nguy hiểm từ môi trường và con người.

 Biển đảo đẹp như tranh vẽ

Biển đảo đẹp như tranh vẽ – Ảnh nguồn komodoresort.com

Không chỉ nổi tiếng bởi loài rồng Komodo huyền thoại, Vườn quốc gia Komodo còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên hết sức độc đáo, một thiên đường thực sự hài hòa giữa biển trời với dải bờ biển cát trắng mịn, nước trong xanh rất phong phú các rạn san hô, những trảng cỏ mênh mông, những mỏm đá cheo leo giữa núi non hùng vĩ…  Với giá trị cả về cảnh quan và đa dạng sinh học ở một vườn thiên nhiên quốc gia vào hàng lớn nhất thế giới, tổ chức New Open Word đã bầu chọn đảo Komodo là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (tháng 11/2011).

 Du khách tham quan VQG Komodo

Du khách tham quan VQG Komodo – Ảnh: nguồn travelerfolio.com

Tham quan Vườn quốc gia Komodo, du khách sẽ có dịp làm quen với cư dân địa phương, cùng sinh hoạt với họ nơi những ngôi nhà sàn truyền thống, bơi thuyền hay lặn biển khám phá thế giới đại dương hết sức đa dạng với những loài cá rực rỡ và các rạn san hô đủ sắc màu… Nhưng thú vị nhất vẫn là được tận mắt nhìn thấy loài Rồng Komodo - một loài sinh vật còn sót lại từ thời tiền sử, được chứng kiến màn trình diễn săn mồi rất sinh động và cũng đầy… thú tính của chúng, ắt sẽ để lại nơi du khách những kỷ niệm nhớ đời. 

● ● ●

Chỉ trong thời gian ngắn, Vườn quốc gia Komodo đã được UNESCO và Ủy ban Con người - Sinh quyển thế giới (MAB) xếp trong mạng lưới Khu dự trữ Sinh quyển thế giới (1986) và sau đó UNESCO lại công nhận di sản thế giới (1991), đủ cho thấy tầm quan trọng sinh học đặc biệt của vườn quốc gia này.

 Vườn quốc gia Komodo

Vườn quốc gia Komodo – Ảnh: nguồn vacation-rentals.com

Tuy Komodo là một sinh vật rất nguy hiểm cho cả con người nếu đến đủ gần - trong thực tế chúng đã nhiều lần tấn công và ăn thịt người, nhưng do trên thế giới chỉ duy nhất tại Indonesia còn hiện diện Rồng Komodo trong đời sống hoang dã với số lượng không nhiều nên hậu duệ loài Khủng long bạo chúa vẫn được bảo vệ cách nghiêm ngặt. Hy vọng không chỉ loài Rồng Komodo, mà còn biết bao chủng loại sinh vật khác đang có nguy cơ tuyệt chủng do sự thiếu ý thức của con người, cũng được quan tâm bảo vệ đúng mức bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành