Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

BẠC LIÊU


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

14/04/2014

ĐỒNG HỒ ĐÁ - THÁI DƯƠNG (BẠC LIÊU)


Đến Bạc Liêu, hẳn nhiều người thích thú với giai thoại về các đại công tử một thời phong lưu coi tiền như cỏ rác, hoặc bồi hồi trước những cung điệu bi ai của khúc Dạ cổ Hoài lang do soạn giả tài danh Cao Văn Lầu sáng tác, gắn với sự ra đời và phát triển của dòng nghệ thuật sân khấu cải lương… Nhưng Bạc Liêu còn được biết đến với một công trình khoa học rất đáng tự hào - đó là chiếc đồng hồ đá hay đồng hồ Thái dương (mặt trời) thuộc loại hiếm còn lại trên thế giới, do nhà bác vật Lưu Văn Lang chế tạo từ những năm đầu thế kỷ XX.

LỊCH SỬ ĐỒNG HỒ MẶT TRỜI

Các nhà khoa học và thiên văn đã xác nhận, ngay từ thời cổ đại, con người ở Ai Cập và Babylon đã biết vận dụng những chuyển động của các thiên thể để đo chính xác thời gian. Tuy các nhà sử học và khảo cổ học không xác định được thời điểm xuất hiện các loại thiết bị đo đạc, nhưng những ghi chép từ hai thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên (TCN) cũng đã hé lộ đôi điều về cách người Ai Cập xem thời gian.

 Đồng hồ mặt trời thời Ai Cập cổ đại

Đồng hồ mặt trời Ai Cập thời cổ đại – Ảnh: nguồn visioninconsciousness.org

Sử học hiện đại tin rằng đồng hồ mặt trời du nhập vào Hy Lạp là từ Anaximandros (610 – khoảng 546 TCN), nhà triết học nổi tiếng đồng thời cũng là nhà thiên văn học và vật lý sống ở Miletus - một thành phố ở Ionia thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Là học trò của Thales và cũng là nhà triết học thuộc trường phái Milesia, ông đã kế tục và trở thành người thầy thứ hai của trường phái này, với nhiều học trò như Anaximenes và Pythagore. Chính ông đã giới thiệu các nguyên tắc cơ bản về đồng hồ mặt trời cho sinh viên của mình ở trường Milesian.

Đồng hồ mặt trời tại Keppel Henge  

Đồng hồ mặt trời tại Keppel Henge – Ảnh: nguồn steveirvine.com

Theo thời gian, nhiều sáng tạo của người Hy Lạp đã được phát triển từ đồng hồ mặt trời cùng các loại thiết bị đo thời gian khác, như đồng hồ nước, đồng hồ cân, đồng hồ nến, đồng hồ đèn… Một trong những phát kiến nổi tiếng nhất phải kể đến sự đổi mới đồng hồ mặt trời của nhà toán học và thiên văn học Theodosius sống ở Bithynia (160 – 100 TCN), người đã tuyên bố phát minh ra loại đồng hồ mặt trời phổ thông có thể sử dụng tại bất cứ đâu trên khắp thế giới.

 Đồng hồ mặt trời Obelisk

Đồng hồ mặt trời Obelisk - một phát minh của Ai Cập cổ đại tại quảng trường Thánh Peter (Vatican) – Ảnh: nguồn visioninconsciousness.org

Những tiến bộ về đồng hồ mặt trời thực hiện ở Hy Lạp đã nhanh chóng du nhập vào Rome, với đồng hồ mặt trời đầu tiên được ghi nhận năm 239 TCN. Khi đế chế La Mã sụp đổ, dựa vào sự khác biệt theo mùa lớn, các nhà toán học Hồi giáo đã phát triển đồng hồ mặt trời với cách tạm tính thời gian ngắn hơn vào mùa Đông và dài hơn vào mùa Hè. Đến năm 1300 họ mới thông qua cách tính bằng giờ trong ngày cho toàn bộ năm. Cách tính tương tự chỉ xuất hiện tại châu Âu vào khoảng giữa những năm 1400. Trong thời Phục hưng, đồng hồ mặt trời được sử dụng ở châu Âu khá phổ biến, chủ yếu là trong giới thương mại và chính phủ, kéo dài cho đến những năm 1800 khi đồng hồ cơ khí được sản xuất với ưu thế chính xác vượt qua độ tin cậy của đồng hồ mặt trời.

ĐỒNG HỒ MẶT TRỜI TẠI VIỆT NAM

Trên thế giới đồng hồ mặt trời có rất nhiều, có cái dùng thanh kim loại hay mảnh kim loại, có cái làm bằng cột đá, cột gạch hay bờ tường…, tất cả đều dựa trên nguyên lý dùng bóng nắng đổ để tính giờ. Do thời hoàng kim của loại đồng hồ này đã qua từ lâu nên nếu có còn lại ở đâu đó thì đều thuộc loại “cổ lai hi” và được bảo tồn cách nghiêm túc.

 Đồng hồ Thái dương tại TTGDTX

Đồng hồ Thái dương trong khuôn viên TTGDTX – Ảnh: Mk. Thành

Tại Việt Nam, đồng hồ Thái dương ở Bạc Liêu hay đồng hồ đá theo cách gọi dân gian là sản phẩm duy nhất, được nhà bác vật (kỹ sư) Lưu văn Lang thực hiện vào những năm đầu thế kỷ XX. Trong một lần về công tác tại Bạc Liêu để theo dõi các công trình xây dựng, ông đã thiết kế chiếc đồng hồ này làm quà tặng vị Tỉnh trưởng đương thời, vì vậy nó được dựng ngay trước dinh Tỉnh trưởng thời thuộc Pháp. Hiện nay công trình này nằm trong khuôn viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu (phía sau dãy nhà giữa và ngay sát bờ rào đường 30-4 nối dài, cách cổng phụ chừng 10 mét).

 được bảo quản bởi lồng kính

Đồng hồ Thái dương được bảo quản bởi lồng kính – Ảnh: Mk. Thành

Đồng hồ Thái dương được làm bằng gạch và xi-măng, cao chừng 1m, rộng khoảng 2m với mặt chính quay về hướng Đông gồm 3 phần: ở giữa là một khối hình chữ nhật đứng được xây nổi tạo thành cái gờ có công năng điều chỉnh ánh sáng mặt trời, hai bên là hai mặt phẳng hình vuông, trên mỗi mặt có khắc những vạch đồng tâm để tính phút, 6 chữ số La Mã được bố trí ngay những vạch chính và theo hình vòng cung để biểu thị số giờ. Khi ánh nắng chiếu qua gờ hình chữ nhật sẽ dọi bóng xuống mặt phẳng tạo thành 2 vùng sáng, tối và con số nằm giữa hai vùng này sẽ biểu thị số giờ tương ứng.

 Thời điểm 8:30 sáng

Thời điểm 8:30 sáng (vòng tròn trắng) – Ảnh: Đặng Quang Vinh (saigonphoto.net)

Giải thích về độ nghiêng của hai mặt phẳng, tác giả Nguyễn Minh Mẫn đã cho biết:“Tỉnh Bạc Liêu ở vị trí 9º38’ vĩ độ Bắc, và 105º51’54’’ kinh độ Đông, bác vật Lang dùng công thức lượng giác để tính ra độ lồi của mặt nghiêng; đó là 130º để chọn điểm thiết kế chiếc đồng hồ này.” (tạp chí Xưa & Nay số 136, tháng 3-2003). Nhược điểm của đồng hồ mặt trời tại Bạc Liêu cũng như trên khắp thế giới là có sai số khá lớn (có thể đến 15’ tùy thuộc vào chu kỳ của vòng quay trái đất) và không hiển thị kết quả những khi trời râm, mưa hoặc đêm tối.

nhìn từ phía hông  

Đồng hồ Thái dương nhìn từ phía hông – Ảnh: Mk. Thành

Để bảo tồn, phát huy giá trị của đồng hồ Thái dương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh theo quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 11-10-2006. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bạc Liêu cũng đang lập tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia để có điều kiện nâng mức đầu tư, tu bổ công trình có một không hai này.

Trong vài năm trở lại đây, Đồng hồ Thái dương đã được Công ty Du lịch tỉnh Bạc Liêu đưa vào chương trình tham quan tại địa phương. Du khách đến Bạc Liêu cũng nên một lần ghé thăm để biết thêm về một công trình khoa học, đã lưu dấu thời gian và phản ánh Bạc Liêu một thời vang bóng…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành