Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

LÀO CAI (SAPA)


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

24/11/2016

THÁNH TRẦN TỪ - ĐỀN THƯỢNG (LÀO CAI)


Nếu Lào Cai từ lâu được biết đến là một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Việt Nam với những thắng cảnh nổi tiếng như Sa Pa, thác Bạc, núi Hàm Rồng, bãi đá cổ, Fansipan - nóc nhà Đông Dương, cao nguyên trắng Bắc Hà, rừng cây nguyên sinh Y Tý…, thì Lào Cai cũng là nơi tập trung hệ thống các đền, chùa - những điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng như đền Ông Bảy Bảo Hà, đền Mẫu, đền Cô Cấm, đền Quan, chùa Cam Lộ…, đặc biệt Thánh Trần Từ hay đền Thượng là một trong số những ngôi đền linh thiêng và được biết đến nhiều nhất, thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài đã ba lần đánh đuổi quân Mông - Nguyên trong thế kỷ XIII.

LƯỢC SỬ MỘT VỊ ANH HÙNG…

Hưng Đạo Vương tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10-12-1228 (có tài liệu ghi 1231) tại Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nguyên quán làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, con của An Sinh Vương Trần Liễu và Thuận Thiên công chúa, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú. Sách Đại Việt sử ký toàn thư mô tả ông là người có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, nhờ được truyền thụ kiến thức bởi những người tài giỏi mà sớm trở thành người tài thao chí lược, văn võ song toàn…

Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo Vương  

Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo Vương – Ảnh: nguồn ldlacviet.org

Không rõ Trần Quốc Tuấn trở thành võ quan nhà Trần từ lúc nào, chỉ thấy Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 9 (1257 - Đinh Tỵ), (Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của Quốc Tuấn”. Như vậy Trần Quốc Tuấn được phong Quốc công tiết chế và được điều động đến vùng biên ải ngay sau khi sứ Nguyên sang dụ hàng (tháng 9-1257, ba tháng trước thời điểm quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt). Dưới tài thao lược của ông, binh tướng nhà Trần cùng quân dân Đại Việt đã ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên ở Thăng Long (28-1-1258), Chương Dương - Thăng Long (5-6-1285), Bạch Đằng (9-4-1288).  Với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, đã chấm dứt hẳn mộng thôn tính Đại Việt của quân Mông - Nguyên.

 Di tích bãi cọc Bạch Đằng

Di tích bãi cọc Bạch Đằng tại xã Yên Giang - Quảng Ninh – Ảnh: nguồn oivietnam.net

Kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 3 thành công và đất nước thanh bình trở lại, Trần Quốc Tuấn đã lui về sống ở Vạn Kiếp. Dựa vào địa thế vùng Vạn Kiếp mà Kiếp Bạc là trung tâm, Ông đã cho lập phủ đệ và quân doanh làm phòng tuyến chiến lược giữ mặt Đông Bắc của Tổ quốc. Ngoài ra Ông còn cho trồng các loại cây thuốc để chữa bệnh cho binh sĩ và nhân dân trong vùng.

Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (5-9-1300) đời vua Trần Anh Tông, trái tim người anh hùng đã ngừng đập. Theo lời dặn, di hài ông được hỏa tang và cốt được thu vào bình đồng, chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh miền Đông Bắc, đặc biệt không xây lăng mộ để không ai biết được vị trí và kẻ thù cũng không có cơ hội xúc phạm…

 Tượng đài Trần Hưng Đạo

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Tp Nam Định – Ảnh: nguồn thethaovanhoa.vn

Để ghi nhớ công lao của bậc đại công thần, triều đình đã phong tặng Trần Quốc Tuấn tước Thái Sư Thượng Phụ Quốc Công Tiết Chế Nhân Võ Hưng Đạo Vương. Trong tín ngưỡng dân gian với tục thờ danh nhân cùng các anh hùng dân tộc, Hưng Đạo Vương đã được suy tôn thành “Đức Thánh Trần”. Người dân Lào Cai càng có lý do để tôn kính vị đại anh hùng khi phố Bảo Thắng thuộc châu Thủy Vĩ (có tài liệu ghi Thủy Hoa), tỉnh Hưng Hóa ngày trước (nay là phường Lào Cai thuộc thành phố Lào Cai) đã từng là nơi đầu sóng ngọn gió và tại ngọn đồi thuộc dãy núi Mai Lĩnh, một trạm hỏa hiệu đã được lập để nổi lửa báo hiệu cho toàn quân, toàn dân mỗi khi kẻ thù xâm lược tiến vào bờ cõi, được xem là một thủ pháp hữu hiệu trong thời điểm bấy giờ, giúp chủ động trong chiến đấu, tránh được nhiều tổn thất…

THÁNH TRẦN TỪ QUA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

Thánh Trần Từ hay đền Thượng được xây dựng vào thời vua Lê Hy Tông (niên hiệu Chính Hòa: 1680 - 1705), ngay trên đồi “hỏa hiệu” năm xưa (nay là đồi 115) thuộc dãy núi Mai Lĩnh có độ cao 1.200m so với mực nước biển. Đây được xem như một vùng đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc với cảnh trí sơn thủy hữu tình, chỉ cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai gần 500m về phía Đông Bắc. Từ vị trí đền, có thể bao quát toàn bộ thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc chỉ cách một dòng sông Nậm Thi nhỏ bé.

 Thánh Trần Từ tại Lào Cai

Tam quan ngoại Thánh Trần Từ – Ảnh: nguồn thuonghieuvietnoitieng.vn

Nguyên đền ban đầu có qui mô nhỏ, được dựng bằng gỗ qúy, dựa vào thế núi và soi mình xuống dòng sông Nậm Thi hiền hòa. Năm 1979, khi những người anh em bên kia biên giới phát động chiến tranh biên giới với chủ trương “dạy cho Việt Nam một bài học”, họ đã xua quân tàn phá nhiều vùng biên giới Việt Nam. Trong bối cảnh này, ngôi đền Thượng thờ vị anh hùng dân tộc “đã ba lần dạy cho quân xâm lược bài học nhớ đời” trong quá khứ đã bị phá sạch, đốt sạch như để trả thù cho mối hận của tiên tổ năm xưa…  

Cây đa tại đền Thượng  

Cây đa tại đền Thượng – Ảnh: Phạm Ngọc Bằng (nguồn báo Lào Cai)

Điều đáng ngạc nhiên là ngay cạnh đền hiện diện một cây đa rất lớn, được xem là hiện thân của Thánh mẫu Thượng ngàn vì dưới gốc đa có một ngôi miếu nhỏ thờ Thánh mẫu với đôi câu đối “Thụ mộc đa sinh sinh thế thế; Tiên cô hóa hiện hiện linh linh” lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Có lẽ tin vào sự linh thiêng của cây đa cổ thụ nên mặc dù đã phá nát ngôi đền Thượng, những kẻ ngông cuồng vẫn không dám đụng đến cây đa (!). Đây là cây đa lông có tên khoa học là Ficus Drupacea Thunb, thuộc họ dâu tằm (Moraceae), cao hơn 33m, chu vi chừng 44m, có tuổi thọ hơn 300 năm với nhiều thân, rễ chùm bám vào lòng đất, được công nhận “cây di sản Việt Nam” năm 2012.

 Bi đình tại đền Thượng

Bi đình đền Thượng – Ảnh: nguồn btgcp.vn

Ngôi đền hiện nay chỉ mới được tái thiết về sau và bằng gạch, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống với văn hóa bản địa tạo nên dáng vẻ uy nghi. Qua nhiều lần trùng tu đền vẫn mang diện mạo cổ kính với thiết kế hình chữ “công” gồm hệ thống Tam quan ngoại, Tam quan nội, Hậu cung, các nhà Tả vu, Hữu vu. Tại Hậu cung có 7 gian thờ chính gồm cung thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu, ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, cung thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng... Tại các nhà Tả vu, Hữu vu có các ban thờ Chầu bà Đệ Nhị Sơn Trang, Thập Nhị Tiên Cô, Chầu hầu cận Chúa và Cậu Bé thủ đền... Cạnh Đền Thượng có nhà bi đình hình vuông với 4 cột và không vách đố, bao quanh có 8 rồng chầu, ở giữa là bia đá khắc tích “Đức Thánh Trần” đặt trên lưng con rùa cũng bằng đá.

 Nghi môn đền Thượng

Tam quan nội tại Đền Thượng – Ảnh: nguồn dulichvietnam.com.vn

Tại Tam quan nội, phía trước có treo bức hoành phi “Văn hiến tự tại”, hai bên có hai câu đối: “Việt khí linh đài hoành không lập, Đông A hào khí vạn cổ tồn” (Nước Việt đài thiêng vắt ngang trời, Nhà Trần hào khí còn muôn thủa). Phía sau Tam quan nội có treo bức hoành phi “Quốc thái dân an” và hai câu đối: “Thiên địa dịu y, thiên địa cựu; Thảo hoa kim dị, thảo hoa tiền” (Trời đất vẫn nguyên, trời đất cũ; Cỏ hoa nay khác, cỏ hoa xưa).

Đền Thượng nằm trong quần thể di tích văn hóa gồm chùa Tân Bảo, đền Am, đền Mẫu, đền Cấm và đền Quan. Năm 1996, đền Thượng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

● ● ●

Không chỉ tại Kiếp Bạc hay Lào Cai, người dân Việt đã lập đền thờ Đức Thánh Trần ở nhiều nơi, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với người có nhiều công lao trong kháng chiến chống quân xâm lược và bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của dân tộc. Đến đền Thượng hôm nay, ngoài việc thắp nén hương thể hiện lòng kính ngưỡng đối với một vị anh hùng, du khách còn được dịp tận hưởng không khí trong lành của khu rừng sinh thái với nhiều loại cây trồng trong nỗ lực bảo vệ môi trường phục vụ khách tham quan…

Lễ hội Đền Thượng Lào Cai  

Lễ hội Đền Thượng tại Tp. Lào Cai – Ảnh nguồn dulichvn.org.vn

Hàng năm đền Thượng tổ chức lễ hội vào dịp Nguyên tiêu (15 tháng Giêng âm lịch) là một lễ hội quan trọng nhất của tỉnh Lào Cai. Đặc biệt trong chương trình “Du lịch về cội nguồn” hợp tác giữa ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai, quần thể di tích lịch sử - văn hóa đền Thượng được chọn là một trong những điểm đến quan trọng nhất.

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành