Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

YÊN BÁI


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

14/03/2017

QUẦN THỂ DI TÍCH - KHẢO CỔ HỌC HẮC Y (YÊN BÁI)


Nằm tại địa phận xã Tân Lĩnh thuộc huyện Lục Yên - tỉnh Yên Bái, quần thể di tích - khảo cổ học Hắc Y được phát hiện năm 1995 là một bất ngờ thú vị bởi từ bao đời nay, người nông dân Tân Lĩnh vẫn cày bừa, gặt hái trên cánh đồng nằm ven bãi bồi ở thượng nguồn sông Chảy mà không hề biết rằng, ở bên dưới ẩn dấu một quần thể di tích cổ rộng lớn… Không chỉ gói gọn dưới cánh đồng Tân Lĩnh, quần thể di tích - khảo cổ học Hắc Y còn trải dài ra cả thung lũng và các quả núi, với diện tích hơn 5km². Chỉ cần đào xuống đất khoảng 50 – 200cm, các nhà khảo cổ đã có thể chạm tay vào những di vật có niên đại cách nay 6 – 7 thế kỷ.

MỘT KHU QUẦN THỂ DI TÍCH - KHẢO CỔ ĐỘC ĐÁO

Sau hơn 10 năm với bảy đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi phát lộ quần thể di tích cổ với những hình hài thành quách, ao vua, hào lũy, bãi tập… cùng nền tảng chùa tháp, đền đài, vật liệu kiến trúc, đặc biệt dày đặc các dấu tích kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần…

 Phân loại mẫu vật

Phân loại mẫu vật và phục dựng di tích – Ảnh nguồn vista.net.vn

Miếu Hắc Y - Đền Đại Cại

Miếu Hắc Y hay còn gọi chùa tháp đất nung tọa lạc trên đỉnh đồi Hắc Y, mang kiến trúc độc đáo thời Trần. Tương truyền vào thời vua Hùng Vương thứ 18, một vị thần rắn hiện hình người mang trang phục đen đã giúp nhà vua đánh giặc. Về sau, người dân đã lập miếu thờ dưới gốc cây sui cổ thụ trong khu vực đền Đại Cại…

 Cổng chùa tháp Hắc Y

Cổng chùa tháp Hắc Y - đền Đại Cại – Ảnh nguồn vietnamplus.vn

Đền Đại Cại ngày nay nằm cạnh bờ sông Chảy trên địa phận thôn Sàng - xã Tân Lĩnh, mang vẻ đẹp uy nghi cổ kính với mặt chính nhìn ra ngã ba sông và đồi Hắc Y. Tương truyền đền được dựng hơn 300 năm trước trên gò Đại Mạo cạnh miếu Hắc Y, bên bờ phải cửa ngòi Đại Cại với tên cổ là Ta Cại, thờ Bà Chúa quân lương Vũ thị Ngọc Anh là con nhà dòng dõi, vừa tinh thông văn võ lại giỏi nghề nông tang…

Chùa tháp Hắc Y  

Chùa tháp Hắc Y - đền Đại Cại – Ảnh nguồn hallovietnam.vn

Hang chùa São

Nằm ở địa đầu của hồ Thác Bà bên dòng sông Chảy, chùa São là một trong những chùa hang đẹp và rất linh thiêng. Hang chùa São được đánh giá không chỉ là một bảo tàng địa chất sống động có giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của các cư dân Việt cổ mà còn có giá trị khảo cổ học nổi tiếng ở phía Bắc. Tại đây những khối nhũ đủ hình dáng và màu sắc rủ xuống từ vòm hang, lung linh tựa như chốn bồng lai tiên cảnh…

Nhũ đá hình đàn hổ  

Nhũ đá hình đàn hổ trong hang chùa São – Ảnh nguồn vietnamplus.vn

Di tích Bến Lăn

Trong đợt khai quật khảo cổ năm 2008, các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ tại khu Bến Lăn dưới chân núi Hắc Y dấu tích chùa Thượng Miện một thời, với những tảng đá kê chân cột có đường kính 0,72m. Cách chùa không xa là một quần tụ 14 tháp đất nung, gồm nhiều tháp nhỏ (1m x 1m) quay quanh một tháp lớn (4m x 4m), trong đó gồm 2 tháp đã được tìm thấy năm 2005. Tuy nhiều tầng tháp đã đổ vỡ nhưng cũng còn 8 móng tháp khá nguyên vẹn… Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện dấu tích cửa tiền với bức tường đá có đoạn còn nguyên vẹn cùng dãy tường bao có chu vi 295m…

Phát lộ tháp đất nung  

Phát lộ tháp đất nung – Ảnh nguồn Báo Nông Ngiệp Việt Nam

Di tích lò nung thời Trần

Tháng 10/2016, Trung tâm Nghiên cứu kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tiến hành khai quật 4 hố tại khu đồi thấp Pù Lườn Xe nằm ở quãng giữa lối đi từ di tích bến Lăn lên đồi Hắc Y với diện tích chừng 500m², đã phát hiện hai lò nung thời Trần, với các hiện vật gồm gạch, ngói mũi sen, ngói mũi lá, ngói đầu đao, ngói úp nóc có gắn lá đề trang trí hình rồng, mũi ốp chân tháp… (lò số 1); 2 đầu tượng chim phượng và một số mái tháp có kích thước khá lớn, mái tháp tạo hình ngói ống, tường tháp có hình hoa chanh tạo nổi… (lò số 2).

 Di tích lò nung

Di tích lò nung tại khu di tích - khảo cổ học Hắc Y – Ảnh nguồn baoyenbai.com.vn

Đây là lần đầu tiên một lò nung vật liệu kiến trúc có niên đại từ thời Trần được khai quật ở miền Bắc Việt Nam. Các lò này được dùng để sản xuất vật liệu xây dựng cho những kiến trúc trong khu di tích - khảo cổ học Hắc Y chứ không phải mang từ miền xuôi lên theo đường sông Chảy như nhiều nhận định trước đây…

DẤU TÍCH KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO

Tại những hố khai quật ở khu vực xã Tân Lĩnh đã phát hiện những hiện vật như lá đề cân, lá đề lệch, đầu rồng ngậm ngọc, chim ưng, thú đầu đao… Tại các hố khai quật dưới chân núi Hắc Y đã phát hiện 14 cột tháp đất nung lớn, nhỏ, có cột cao 9 tầng, chung quanh còn thấy những bệ cột đá chạm trổ hoa sen cho phép phỏng đoán cách nay hàng trăm năm đã từng hiện diện một ngôi chùa lớn dưới chân núi Hắc Y…

 Bệ cột đá

Bệ cột đá dấu tích chùa Thượng Miện – Ảnh nguồn daophatngaynay.com

Theo nội dung hai bài minh văn chữ Hán được khắc vào tháp đất nung, Hoàng Lục Thiện ở Thượng Lâm Trường (sinh năm Mậu Ngọ - 1258 ?) năm 45 tuổi đã cung tiến cho chùa Thượng Miện 40 tòa tháp cửu phẩm liên hoa. Cho đến nay, mới chỉ phát lộ được 14 tháp cổ trong đó tháp đất nung lớn ở Hắc Y mang đậm ảnh hưởng của nghệ thuật thời Lý với những đường nét hoa văn mềm mại, tinh tế và cũng rất độc đáo…

 Đỉnh tòa tháp

Đỉnh tòa tháp cửu phẩm liên hoa – Ảnh nguồn Báo Đất Việt

Nhiều nhà nghiên cứu đã đoán định, di tích - khảo cổ học Hắc Y có liên quan đến vai trò của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 - 1330) khi Ông làm trấn thủ trông coi châu Đà Giang (miền Sơn La) hoặc vùng Thu Vật (Tuyên Quang, giáp với vùng Lục Yên ngày nay). Là bậc thân vương, có tài thao lược lại thông thạo nhiều ngoại ngữ và phong tục tập quán của các nước láng giềng cũng như các bộ tộc thiểu số, Ông đã dễ dàng khuất phục được chúa đạo Đà Giang Trịnh Giác Mật, bình ổn biên giới Tây Bắc để tập trung chống quân Nguyên - Mông…

Kiến trúc Phật giáo  

Kiến trúc Phật giáo – Ảnh nguồn violet.vn

Có thể khi lập bản doanh và khu điền trang thái ấp dưới chân núi Hắc Y mà có người cho rằng, đây chính là nơi mà sách sử gọi là trại Thu Vật, Trần Nhật Duật cũng đã xây dựng các công trình tín ngưỡng làm nơi hành đạo cho gia tộc và quân sĩ. Qua thời gian, các công trình này đã phát triển thành quần thể kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, được xem như một trung tâm văn hóa Phật giáo thời bấy giờ…

DẤU ẤN HOÀNG THÀNH THĂNG LONG & CHĂM PA

Điều lý thú là không ít hiện vật phát hiện tại di tích - khảo cổ học Hắc Y có hình dạng và niên đại giống với những hiện vật kiến trúc đất nung được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), từ gạch, ngói, đá chân cột, lá đề, sen, cúc… đến các tượng đất nung linh vật như các loại đầu lân, rồng, phượng, chim thần uyên ương và Garuda…, các đồ thờ cúng, đồ gốm sứ, tiền đồng…, nhiều di vật mang phong cách vương triều…

Dấu ấn Hoàng thành Thăng Long  

Dấu ấn Hoàng thành Thăng Long – Ảnh nguồn kienthuc.net.vn

Một điều khiến các nhà khảo cổ ngạc nhiên và không kém đau đầu là bên cạnh những hiện vật mang phong cách Thăng Long, còn có hàng trăm mẫu vật mang rõ nét Chăm Pa - nền văn hóa phía cực Nam nước Việt. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng ngay từ những ngày đầu khởi động khai quật, đã ghi nhận “ngôi chùa phảng phất văn hóa Chăm” trong những bút tích nghiên cứu về di chỉ khảo cổ đặc biệt này.

 Đầu rồng

Đầu rồng mang rõ nét văn hóa Chăm – Ảnh nguồn vietnamplus.vn

Có giả thiết cho rằng, khi lập bản doanh và xây dựng các công trình tín ngưỡng, Trần Nhật Duật đã phải cần đến rất nhiều các tay thợ lành nghề. Là người thông thạo tiếng Chăm lại quen biết nhiều người Chăm vốn là hậu duệ của các tù binh Chiêm Thành bị vua Lý Thánh Tông bắt đưa về kinh thành từ năm 1069 như những chiến lợi phẩm, hình thành cộng đồng người Chăm tại chốn kinh thành (ban đầu quản thúc tại khu vực Tây Bắc thành Thăng Long nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ - Hà Nội, về sau đồng hóa với người Việt), không khó hiểu khi Trần Nhật Duật dễ dàng chiêu mộ các thợ giỏi người Chăm vốn rất thông thạo về kiến trúc và chạm trổ.

 Hoa văn điêu khắc

Hoa văn điêu khắc tinh xảo – Ảnh nguồn dantri.com.vn

Với việc được Trần Nhật Duật tin dùng, các hiệp thợ người Chăm đã có cơ hội gởi gấm niềm thương nổi nhớ cố hương qua việc chạm, trổ các hình, tượng hay nét hoa văn mang dấu ấn Chăm như những gì đã được phát lộ (!).

 Dấu tích văn hóa Chăm

Dấu tích văn hóa Chăm – Ảnh nguồn dantri.com.vn

Khi mà hàng loạt công trình, di chỉ trong quần thể di tích - khảo cổ học Hắc Y vẫn còn chưa được phát lộ thì những giao thoa, dịch chuyển văn hóa thể hiện qua các hiện vật khảo cổ vẫn còn là những câu hỏi bỏ ngõ, cần phải thêm những cứ liệu hay bằng chứng xác thực mới đủ lý giải cho việc nền văn hóa Chăm Pa hiện diện ở tận miền biên viễn xa xôi…

● ● ●

Với hình sông thế núi ngoạn mục, một bên là núi Hắc Y và núi Bạch Mã uy nghi, một bên dòng nước ngòi Đại Cại nhập vào dòng sông Chảy là đầu nguồn của di tích thắng cảnh hồ Thác Bà, quần thể di tích - khảo cổ học Hắc Y nghiễm nhiên trở thành những nét nhấn nhá độc đáo giữa cảnh quan sơn thủy hữu tình…

 Lễ hội đền Đại Cại

Lễ hội đền Đại Cại – Ảnh: Tân - Văn (nguồn baoyenbai.com.vn)

Năm 2001, quần thể di tích - khảo cổ học Hắc Y đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 17-9-2009, hang chùa São đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh. Hàng năm cứ vào ngày 16 tháng Giêng, Đền Đại Cại lại mở hội thu hút hàng ngàn du khách và đồng bào các dân tộc quanh vùng… Đây quả là những tín hiệu lạc quan, cho thấy nếu được quan tâm đầu tư đúng mức và phục dựng một số kiến trúc tiêu biểu, quần thể di tích - khảo cổ học Hắc Y sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều bạn bè và khách du lịch bốn phương…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành