Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Myanmar


MYANMAR

MANDALAY


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".

 


» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch

09/08/2014

BAGAN - VÙNG ĐẤT BỊ BỎ QUÊN (MYANMAR)


Trải rộng trên dải đồng bằng khô cằn bên bờ phía Đông sông Ayeyarwady thuộc trung tâm Myanmar, cách trung tâm Mandalay 145km về phía Tây Nam, Bagan là một thị trấn nhỏ thuộc vùng Mandalay với diện tích khoảng 25 dặm vuông (chừng 40 km²) và là một khu vực khảo cổ quan trong của Myanmar, nơi hội tụ những công trình kiến trúc đền chùa độc đáo, một thời nổi tiếng nhất vùng Đông Nam Á…

NƠI THỜI GIAN NGỪNG LẠI

Nguyên đô thị cổ Bagan từng được biết đến trong lịch sử với tên Pagan, kinh đô của vương quốc Pagan. Lịch sử triều đại Pagan khởi đầu từ khoảng năm 849 khi quốc vương Pyinbya (trị vì 846 - 878) chọn xây thành, định hình kinh đô của vương triều Pagan vừa hình thành và đặt tên Pagan. Trong 200 năm tiếp theo, vương quốc Pagan ngày càng lớn mạnh và thâu tóm các khu vực lân cận. Cao điểm là vào năm 1057, vua Anawrahta (trị vì 1044 - 1077) đã chinh phục vương quốc Ramannadesa (còn gọi là vương quốc Thaton) của người Mon ở Hạ Miến, thống nhất các miền đất tạo thành lãnh thổ Myanmar ngày nay.

Nơi thời gian ngừng lại

Nơi thời gian ngừng lại – Ảnh: nguồn khampha.vn

Với cuộc thôn tính vương quốc Ramannadesa, vua Anawrahta đã đem về thủ đô Pagan nhiều thánh tích và kinh văn Phật giáo cùng nhiều nghệ sĩ, nhà kiến trúc tài ba. Trong thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, các vua Pagan đã cho xây dựng hơn 10.000 đền chùa và tu viện trên vùng đất kinh đô. Đây cũng là thời kỳ chuyển tiếp từ Phật giáo Đại thừa sang Phật giáo Theravada, đánh dấu sự khởi đầu của những truyền thống Phật giáo mới ở Myanmar…

Bộ sưu tập kiến trúc

Bộ sưu tập kiến trúc kỳ vĩ – Ảnh: nguồn alumni.umich.edu

Vương quốc Pagan bắt đầu suy yếu từ thế kỷ XIII mà một trong những nguyên nhân chính là do vương quốc này dành quá nhiều nguồn lực cho việc xây dựng các công trình tôn giáo (!). Chỉ trong năm 1280, đã có tới hai phần ba đất đai canh tác ở Thượng Miến được điều chuyển cho tôn giáo. Chính sách miễn thuế đối với đất của tôn giáo đã dẫn đến việc thất thu ngân sách làm giảm bổng lộc của quan lại và giới quân sự, vô hình trung đã làm suy yếu lòng trung thành của các quan viên, tạo cơ sở cho những mầm mống rối loạn từ bên trong, chưa kể các thách thức thường xuyên đến từ bên ngoài…

Hoàng hôn ở Bagan

Hoàng hôn ở Bagan – Ảnh: nguồn christophermartinphotography.com

Việc phải đến đã đến, từ đầu thế kỷ XIII người Shan bắt đầu bao vây vương quốc Pagan từ phía Bắc và phía Đông. Người Mông Cổ sau khi chinh phục Nam Chiếu vào năm 1253, cũng đã tiến hành xâm lược Pagan vào năm 1277 và đến năm 1287 đã triệt phá kinh đô Pagan, kết thúc 230 năm thịnh trị của triều đại Pagan ở đồng bằng Ayeyarwaddy và khu vực. Vương quốc Pagan bị rơi vào tình trạng chia cắt suốt 250 năm tiếp theo, đô thị Pagan không còn là kinh đô và dân số đã giảm xuống chỉ bằng một ngôi làng, họ sống ẩn mình bên những gì còn sót lại của một nơi đã từng là chốn phồn hoa đô hội…

Bagan - miền đất cổ tích

Bagan - miền đất cổ tích – Ảnh: nguồn myanmartours.us

Trải qua thời gian với bao biến thiên dâu bể, Bagan ngày nay vẫn là một thị trấn cổ tích đúng nghĩa. Ngoài hai con đường lớn có trải nhựa, dài khoảng 10km mỗi đường chạy từ Bắc xuống Nam, còn lại đều là đường đất, không cả thềm đường hay cống rãnh… Nhìn cảnh người nông dân đánh đôi bò trên những cánh đồng đầy cát giữa những đền tháp hoang tàn, tưởng như nơi đây thời gian đang ngừng lại, Bagan thật đã ngủ quên từ hàng thế kỷ trước…

NHỮNG NGÔI ĐỀN BỊ BỎ QUÊN

Là kinh đô của vương triều Pagan hùng mạnh trong suốt hơn hai thế kỷ, Pagan tập trung các kiệt tác kiến trúc đồ sộ mà giá trị có thể sánh ngang với hai quần thể đền tháp Phật giáo vĩ đại là đền Angkor Wat của Campuchia và đền Borobodur tại miền Trung đảo Java (Indonesia). Sau khi vương triều Pagan bị tiêu diệt và kinh đô Pagan bị triệt phá, việc xây dựng các công trình tôn giáo tại đây gần như bị ngưng trệ trong suốt thời gian dài. Từ thế kỷ XV đến XX, chỉ ghi nhận được chừng 200 ngôi đền mới.

Vùng đất bị bỏ quên

Vùng đất bị bỏ quên – Ảnh: nguồn telegraph.co.uk

Tuy cố đô với những đền chùa vẫn là điểm đến của khách hành hương, nhưng lượng người mộ đạo về đây cũng chỉ tập trung ở những ngôi đền chính, đang khi hàng ngàn ngôi đền ít nổi tiếng và nằm xa khuất bị rơi vào tình trạng hoang phế, không tồn tại nổi trước sức công phá của thời gian, đặc biệt trận động đất năm 1975 đã chôn vùi rất nhiều đền, chùa… Hiện trên vùng đất Bagan cổ vẫn còn lại 2.217 ngôi đền chùa, trở thành bảo tàng sống minh chứng một thời hoàng kim của vương triều Pagan, hiện thân của lối kiến trúc Mon hầu như không còn tồn tại.

Chùa Vàng Shwezigon

Chùa Vàng Shwezigon – Ảnh: nguồn asiaexplorer.com

“Mon” là kiểu kiến trúc rất phổ biến nơi các đền chùa lớn ở Bagan, với đặc trưng là những chùa bút tháp đặc kín trong giai đoạn đầu và đến thời hậu Mon là những ngôi đền có kiến trúc rỗng bên trong. Tiêu biểu cho kiến trúc Mon phải kể đến chùa vàng Shwezigon - ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Miến Điện, trở thành mẫu mực cho các kiến trúc đền chùa về sau. Cùng với chùa Shwezigon được đánh giá cổ kính nhất, Bagan còn tồn tại nhiều công trình nổi tiếng như ngôi đền Ananda rộng lớn nhất và được bảo quản tốt nhất; đền Thatbyinyu với kỷ lục về chiều cao được xây dựng vào giữa thế kỷ XII, có thể được nhìn thấy tại bất cứ đâu trong vùng; chùa Dhamma Yangyi là một công trình đồ sộ nhất…

Đền Thatbyinyu

Đền Thatbyinyu – Ảnh: nguồn kennethparker.com

Tuy còn hơn 2.000 kiến trúc đền chùa nhưng thực tế chỉ khoảng vài chục trong số đó là được chăm nom thường xuyên. Vào những năm 1990, chính quyền Myanmar đã có những cố gắng để khôi phục những đền chùa bị phá hủy, nhưng quả thật đáng tiếc khi việc trùng tu đã phần nào làm biến dạng các đền tháp, hoặc khiến cho chúng không còn giữ nguyên trạng với chất liệu ban đầu. Bên cạnh đó, để thu hút du khách, họ đã cho làm một con đường bốn làn xe hơi xuyên qua khu di tích Bagan (Old Bagan) nối thị trấn Nyang-U với thị trấn New Bagan, xây tháp ngắm cảnh (Seeing Town) ngay giữa khu di tích, cho mở sân golf ngay ở nơi cần bảo vệ nghiêm ngặt… Việc thiếu thận trọng trong tu bổ di tích đã vấp phải sự phản đối rộng rãi của các sử gia và các nhà khảo cổ, dẫn đến việc UNESCO chưa công nhận khu đô thị cổ Bagan là di sản thế giới.

BAGAN HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH

Những tưởng Bagan với cuộc sống trầm lặng cùng những đền chùa cổ kính và hoang phế sẽ dần đi vào quên lãng theo thời gian, nhưng du lịch với những khuynh hướng khám phá điều kỳ thú đã như làn gió mới đánh thức Bagan. Du khách thích đến Bagan để được tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập những ngôi đền chùa cổ kính, cảm giác như đang trở về quá khứ đầy sinh động, nơi mà những dấu ấn thời đại và lịch sử văn hóa xa xưa vẫn còn bàng bạc trong không gian và thời gian.

Bagan êm đềm và tĩnh lặng

Bagan êm đềm và tĩnh lặng – Ảnh: nguồn quinnmattingly.com

Rất nhiều ngôi đền ở Bagan xứng đáng là kỳ quan văn hóa thế giới. Điểm thú vị là những công trình này hầu như không sử dụng đến chất kết dính như thời hiện đại mà vẫn bảo đảm được kết cấu bền vững với thời gian. Sự tinh tế của người thợ xưa được thể hiện khá rõ nét qua việc xây dựng những mái vòm lớn, việc bố cục cửa sổ có tính toán để vận dụng các tia nắng chiếu vào khuôn mặt của bức tượng Phật, tạo nên các vầng hào quang tự nhiên…

Đền Incredible

Đền Incredible – Ảnh: nguồn theplanetd.com

Tham quan Bagan, du khách nên dành thời gian ghé thăm ngôi làng lá Salay ở phía Nam, nơi vẫn còn lại một số ngôi đền và tu viện cổ được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Điển hình trong số đó phải kể đến đền Youqson Kyaung được xây dựng từ thế kỷ XIX, với những chi tiết chạm khắc gỗ độc đáo mô tả cuộc đời của Đức Phật. Ở về phía Bắc Bagan, ngọn núi Popa cũng là một trung tâm tín ngưỡng và là niềm tự hào của người dân Myanmar. Trên đỉnh ngọn núi thiêng có ngôi đền thờ lưu giữ rất nhiều tượng Phật lớn, thu hút người sùng đạo đến từ khắp nơi. Bao quanh ngọn núi Popa là vườn quốc gia, những chuyến du khảo bằng xe ngựa hoặc đi bộ xuyên rừng là cơ hội thú vị khám phá các loài chim qúy hiếm.

Khu resort Aureum Palace

Khu resort Aureum Palace Bagan – Ảnh: nguồn remotelands.com

Hiện nay hoạt động kinh tế chính của Bagan là dịch vụ du lịch, nhiều khách sạn, nhà nghỉ từ bình dân đến cao cấp đã có mặt tại khu New Bagan đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của du khách. Bagan cũng chú trọng phát triển các nghề thủ công truyền thống như đan lát, chạm khắc gỗ, sản xuất hàng sơn mài…, trong đó đồ sơn mài của Bagan rất nổi tiếng và cũng là một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Trên đường tới New Bagan du khách có thể ghé thăm các cơ sở làm sơn mài ở làng Myinkaba.

sản phẩm du lịch thú vị

Khinh khí cầu - sản phẩm du lịch thú vị – Ảnh: nguồn theyoganomads.com

Một sản phẩm du lịch không kém thú vị tại Bagan là ngồi khinh khí cầu lơ lửng trên cao, quan sát toàn cảnh khu di tích với những tán cây, những ngọn tháp kiêu hãnh vút lên trời cao trong làn sương sớm hay ửng đỏ rực rỡ khi vầng Thái dương vừa hé lộ. Du khách đến Bagan thường thích bắt đầu hành trình khám phá bằng việc leo lên ngôi chùa cổ Shwesandaw để ngắm bình minh, đến khi chiều về còn muốn trở lại đây nhìn ngắm hoàng hôn trầm mặc và tĩnh lặng, để rồi nuối tiếc ngẩn ngơ khi thấy mặt trời lặn xuống chỉ trong khoảnh khắc…

● ● ●

Đến Bagan đẹp nhất là từ tháng Mười đến tháng Tư năm sau. Đây là thời điểm Bagan ít nắng nóng và ít mưa, du khách sẽ gặp nhiều thuận tiện khi khám phá nét đẹp hòa quyện giữa truyền thống với hiện đại, tìm hiểu về đời sống cư dân địa phương và làm quen với người dân Bagan rất mực hiền hòa và thân thiện… Với những gì đã có và những gì còn lại, khu đô thị cổ Bagan thật đáng để chúng ta khám phá với lòng kính ngưỡng sâu xa…

Ngày 6-7-2019, UNESCO đã chính thức đưa Bagan vào danh sách Di sản thế giới.

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành