Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

THỪA THIÊN - HUẾ


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

05/02/2020

LỄ HỘI CẦU NGƯ LÀNG THAI DƯƠNG HẠ & THAI DƯƠNG


Đã thành thông lệ cứ “tam niên đáo lệ” tức ba năm một lần, dân làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương – thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và Thai Dương (Thị trấn Thuận An – tỉnh Thừa Thiên-Huế) lại tổ chức long trọng Lễ Xuân tế kỳ yên vào các ngày 9 - 10 và 11 - 12 tháng Giêng các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Đây là một lễ hội có từ hơn 500 năm với mục đích tưởng nhớ vị Thành hoàng cùng các tiên nhân lập làng, cầu cho mưa thuận gió hòa và các trai bạn, ngư dân của làng ra khơi gặp nhiều may mắn...

HAI LÀNG THAI DƯƠNG - MỘT LỄ HỘI

Nguyên trước đây hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ đều cùng một làng Thai Dương Thượng Hạ. Đến sau trận lũ lớn năm 1897, một cửa biển mới đã mở ra giữa làng Thai Dương Thượng Hạ mà người dân gọi là cửa Sứt, thay thế cho cửa biển ở Hòa Dân bị bồi lắp. Từ đó làng Thai Dương Thượng Hạ đã bị chia cắt thành hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ như ngày nay. Do bị chia cắt thành hai làng nên từ đó mọi sinh hoạt lễ hội của người dân cũng phải chia ra thành hai điểm hoạt động riêng: làng Thai Dương Hạ tổ chức Xuân tế kỳ yên vào hai ngày 9 - 10 tháng Giêng và làng Thai Dương tổ chức Xuân tế kỳ yên vào hai ngày 11 - 12 tháng Giêng.

Cung nghinh Thành hoàng  

Cung nghinh Thành hoàng ở Thai Dương Hạ – Ảnh: nguồn vietnam-tourism.com

Thành hoàng của hai làng Thai Dương Hạ và Thai Dương là Ông Trương Qúy Công (húy là Trương Thiều), một người có công khai khẩn và truyền nghề cho người dân đánh bắt trên đầm, phá và cả ngoài biển khơi. Buổi chiều trước ngày diễn ra nghi lễ chính, người dân tổ chức cung nghinh Thành hoàng làng từ các am, miếu về đình. Nghi vệ gồm có cờ xí, lỗ bộ, chiêng trống, dàn nhạc bát âm và một đoàn người gánh chiếc ghe tượng trưng, cùng các vị hương lão, tráng niên tạo thành một đoàn rước trang nghiêm diễu hành từ đầu đến cuối làng và rước vào đình.

làng Thai Dương vào hội Cầu Ngư

Đình làng Thai Dương vào hội Cầu Ngư – Ảnh: nguồn dulich24.com.vn

Buổi tối ngày đầu là lễ túc yết, với nội dung cúng tế lễ vật để cáo yết với thần linh. Sau lễ túc yết thường có diễn tuồng, vừa là một nghi tiết dâng cúng, vừa để toàn dân thưởng thức. Rạng sáng hôm sau vào khoảng 2 giờ sáng là mở đầu chánh tế với đầy đủ nghi thức cổ truyền như dâng hương dâng rượu tam tuần, đọc chúc với sự phụ họa của phường bát âm và chiêng trống. Đến khoảng 6 giờ sáng là lễ trình nghề diễn ra ngoài sân đình.

LỄ TRÌNH NGHỀ

Lễ trình nghề là một hình thức “hèm” để tưởng nhớ vị Thành hoàng đã có công lập làng và hướng dẫn dân làng cách mưu sinh. Sau ba hồi trống lớn của vị chấp lệnh, các tráng đinh đóng vai ngư phủ tung cần câu, lập tức đám trẻ em đóng vai cá tranh nhau đớp mồi. Một toán ngư phủ khác khiêng một cái ghe mành cốt tre được đan chắc chắn và phết giấy đỏ, bên trên có một người ngồi. Họ tiến vào sân đình và chạy quanh đám trẻ tượng trưng đàn cá.

Lễ trình nghề ở Thai Dương Hạ  

Lễ trình nghề ở Thai Dương Hạ – Ảnh: nguồn khamphahue.com.vn

Lưới trên thuyền được bủa vã vây lấy đám trẻ thành vòng tròn, càng lúc càng thu hẹp, đàn cá thì tìm cách thoát ra khỏi lưới đang khi đám ngư phủ người thì “hụ”, người thì “ngoắc” cố giữ không cho đàn cá thoát ra ngoài. Khi vòng tròn được thu nhỏ lại, một ngư phủ trên ghe nhảy xuống bắt lấy “con cá” to nhất đem vào đình để cúng tượng trưng cho vị Thành hoàng. Cùng lúc này trên mặt đầm phá, các ngư dân chèo ghe thuyền biểu diễn các trò kéo rớ, bủa lưới, xúc khuyết, câu mực...

Gánh cá ra chợ  

Gánh "cá" ra chợ trong lễ hội Cầu Ngư – Ảnh: nguồn lendang.vn

Tiếp đến, một số “cá” được gánh trong trạc (thúng) đưa ra bờ biển để rửa nước muối, một số khác được gánh ra chợ bán. Các bà buôn “cá” đến trả giá, mặc cả ồn ào như buổi bán cá thực sự. Đó là nghi thức làm trò ruỗi bộ (bán cá trên đường). Các chủ thuyền bán “cá” xong kéo nhau vào một địa điểm (có thể là sân chùa hoặc miếu thờ cạnh đình) để “chia tiền”. Đến đây xem như lễ tất, mọi người tụ tập ở bờ phá xem đua trải.

ĐUA TRẢI

Đua trải là một trò chơi sông nước sôi nổi trên phá Tam Giang. Tiếng trống, tiếng kèn hò reo cổ vũ liên hồi, vang lên giục giã như chào mừng chuyến ra khơi thắng lợi... 

Đua Trải trên phá Tam Giang 

Đua Trải trên phá Tam Giang – Ảnh: Bùi Oanh (baogialai.com.vn)

Trải là một loại thuyền đua, đóng bằng ba tấm ván dài làm đáy và mạn, chứa được 14 tay chèo gồm 1 người chèo mũi, một người chèo lái và 6 cặp bơi ngồi thành hai hàng, đồng loạt bơi chèo tham dự các giải đua. Có khoảng 6, 7 chiếc trong đó mỗi chiếc do một phường xóm đăng ký. Thường cuộc đua diễn ra nhiều giải, từ sáng đến chiều. Mở đầu là giải cúng với giải thưởng là mâm cau trầu rượu, kết thúc là giải phá với phần thưởng là các giải lụa đỏ, xen giữa là các giải tiền với các giải thưởng bằng tiền mặt.

Cuộc đua diễn ra sôi nổi  

Cuộc đua diễn ra sôi nổi – Ảnh: nguồn lendang.vn

Mỗi giải đua với lộ trình ba vòng sáu tráo, lộn vè trung lưu quay lên vè thượng lưu, chèo xuống vè hạ lưu trở lại vè trung lưu là một vòng hai tráo. Cứ như thế hết vòng thứ ba, lại vòng theo vè trung lưu để vào giật giải. Lễ hội kết thúc khi hoàn tất giải phá vào xế chiều, chấm dứt một lễ hội mùa Xuân tưng bừng náo nhiệt và mở đầu một năm làm lụng chắc chắn khó nhọc nhưng với nhiều hy vọng...

● ● ●

Do Thai Dương Hạ và Thai Dương là hai làng chài nằm trải dài theo bờ biển Đông với hệ sinh cảnh đặc biệt phá Tam Giang và từ bao đời ngư nghiệp vốn là sinh kế của người dân nên lễ hội Cầu Ngư gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng ngư dân. 

Điểm sáng của lễ hội Cầu Ngư là tuy diễn ra từ lúc trời còn tối mịt nhưng vẫn thu hút khá đông dân địa phương và du khách tham gia, mọi người đều hân hoan trong niềm vui tái hiện cảnh chài lưới, mua bán tấp nập... Ngoài phần lễ mang tính chất tâm linh, phần hội trong lễ hội Cầu Ngư cũng là một trò trình diễn nghề đậm tính chất nghi lễ. Những diễn biến trong lễ hội cũng nhằm diễn tả những nỗ lực của cha ông trải qua bao đời để giáo dục và làm hành trang cho thế hệ trẻ tiếp nối...

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành