Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

   Laos


LAOS

VIENTIANE (Thủ đô)


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".

 


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

26/06/2014

LỄ HỘI THAT LUANG ĐẬM CHẤT VĂN HÓA LÀO


Hàng năm, cứ vào trung tuần tháng 12 Phật lịch (thường vào tháng 11 hoặc đôi khi cũng rơi vào tháng 10 dương lịch), người dân Lào từ khắp mọi miền đất nước lại đổ về thủ đô Vientiane tham gia Boun That Luang, một lễ hội Phật giáo và cũng là dịp lễ quốc gia lớn nhất trong năm, được tổ chức tại Pha That Luang suốt một tuần trăng tròn và kết thúc vào đúng vào ngày rằm tháng 12.

ĐI TÌM Ý NGHĨA LỄ HỘI

Nằm tại thủ đô Vientiane, Pha That Luang là một ngôi bảo tháp linh thiêng và đẹp nhất của đất nước “Triệu Voi”, với ngọn tháp trung tâm cao 45m vươn cao giữa trời xanh mang dáng vẻ uy nghi, bao quanh là 30 ngọn tháp nhỏ biểu trưng cho 30 năm tu hành của Đức Phật Thích ca. Tương truyền Pha That Luang được xây dựng vào năm 236 Phật lịch (thế kỷ III TCN). Theo sử liệu ngôi đền này đã được vua Setthathirat xây dựng năm 1566 sau khi dời đô từ Luang Prabang về Vientiane, trên nền phế tích một ngôi đền Ấn Độ xây dựng từ thế kỷ XIII. Ngôi đền này đã từng bị người Thái phá hủy vào thế kỷ XIX và sau đó được khôi phục theo nguyên trạng. Trong ngôn ngữ Lào “That Luang” có nghĩa là “Tháp Lớn”.

trẩy hội That Luang  

Người dân Lào nô nức trẩy hội That Luang – Ảnh: nguồn picpost.postjung.com

Pha That Luang là một biểu tượng quốc gia với lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa và bản sắc dân tộc Lào. Tại đây, hàng năm diễn ra một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt tín ngưỡng, mà cả về mặt văn hóa và lịch sử, được người dân trong nước cũng như kiều bào ở hải ngoại hào hứng đón chờ, đó là Boun That Luang - lễ hội diễn ra suốt một tuần trăng tròn vào trung tuần tháng 12 Phật lịch và kết thúc vào đúng ngày rằm tháng 12. Trong những ngày lễ hội, các ngả đường vào Pha That Luang lung linh ánh nến, ánh đèn và ngay chính Pha That Luang cũng được thắp thêm đèn, kết thêm hoa trên các đài tháp, hòa cùng ánh trăng mờ ảo tạo thành một không gian huyền diệu, linh thiêng…

Tuy Boun That Luang diễn ra đến một tuần nhưng thực tế chính hội với phần lễ nhằm mục đích cầu an, cầu phước cho hết thảy mọi người chỉ bắt đầu từ chiều ngày 13/12 với lễ rước Phasat Pheung (kiệu tháp) và kéo dài liên tục cho đến hết ngày 15/12 với lễ Taak Baat (khất thực). Bên cạnh phần lễ còn có phần hội kéo dài đến một tuần chủ yếu là các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nhiều hình thức, đặc biệt Boun That Luang cũng là thời điểm diễn ra một Hội chợ triển lãm mang tầm vóc quốc tế.

 Rước kiệu tháp 1 Rước kiệu tháp 2

 Rước kiệu tháp – Ảnh: nguồn nyenoona.wordpress.com

Theo thông lệ, lễ rước Phasat Pheung sẽ xuất phát tại chùa Si Muang, ngôi chùa Mẹ được xem là linh thiêng nhất của đất nước Lào. Trong vài năm gần đây, địa điểm xuất phát còn được mở rộng đến một số chùa tại Vientiane như chùa In Peng, chùa Ong Teu Mahawihan. Lễ rước Phasat Pheung là một trong những nét chính của phần lễ That Luang, diễn ra từ chiều 13/12 với việc rước các mô hình kiến trúc đền thờ (Phasat Pheung) từ điểm xuất phát về đích cuối là Pha That Luang vào sáng hôm sau. Theo tục lệ, mỗi gia đình, bản hoặc một nhóm người chung nhau dâng cúng một kiệu tháp, được trang trí nhiều hoa làm từ sáp ong có màu vàng rực rỡ, trên chóp có các tua dây kết hoa hoặc tiền bạc…

Ngay từ sáng tinh mơ ngày 14/12 khi vầng Thái dương còn chưa xuất hiện, hàng vạn người dân Lào từ khắp mọi miền đất nước, những cư dân ở vùng Đông Bắc Thái Lan cùng du khách bốn phương như một dòng thác tuôn đổ về Pha That Luang. Lúc này các đám rước Phasat Pheung với sự tham gia của đông đảo các nhà sư, các quan chức chính phủ, trưởng bản, trưởng huyện cùng người dân địa phương cũng đang dần tiến về Pha That Luang. Khi các đoàn rước về đến đây, họ sẽ cùng kiệu tháp đi vòng quanh Pha That Luang ba vòng trước khi dừng lại ở hậu sảnh dâng lễ vật và được sư thầy tiếp nhận với nghi thức trang nghiêm, thành kính.

 Dâng tặng lễ vật cho các nhà sư

Dâng tặng lễ vật cho các nhà sư – Ảnh: nguồn laos-guide.999.com

Sáng ngày 15/12 sẽ diễn ra nghi lễ khất thực (Taak Baat), mọi người sẽ dâng tặng lễ vật cho các nhà sư như một sự tích đức cho kiếp sau của mình. Vào dịp này, các nhà sư trên khắp nước Lào sẽ về đây, kê bàn ngồi dọc hai bên đường vào Pha That Luang để nhận sự dâng cúng của các Phật tử - lễ vật gồm bánh, kẹo, xôi… và cả tiền mặt. Vào dịp Taak Baat trong Boun That Luang năm 2013, đã có khoảng 6.000 nhà sư cùng đông đảo quan chức chính phủ và đại diện các quốc gia ASEAN tham dự lễ thức này.

Tối ngày 15/12 là đêm cuối của Boun That Luang, sẽ diễn ra lễ rước nến tôn vinh Đức Phật. Những người tham dự cầm ngọn nến sáng trên tay, đi vòng 3 lần quanh thảm cỏ trong khuôn viên Pha That Luang, biến một khu vực vốn ẩn chứa nhiều huyền bí linh thiêng của đất nước “Triệu Voi” thành một không gian lung linh huyền ảo. Người Lào tin rằng, những ai đi một vòng quanh Pha That Luang, sẽ được sống lâu hơn đến 30 năm…

 Lễ rước nến

Lễ rước nến và đốt pháo bông giã hội – Ảnh: nguồn picpost.postjung.com

Sau lễ rước nến tôn vinh Đức Phật, Boun That Luang sẽ được khép lại bằng cuộc thi pháo bông đầy màu sắc, như lời giã biệt và hẹn tái ngộ tại Boun That Luang năm sau. Tại Boun That Luang 2013, lễ hội đã kết thúc bằng màn bắn pháo hoa hoành tráng và ấn tượng dài 30 phút, đánh dấu một Boun That Luang hết sức thành công.

NGƯỜI LÀO THÍCH VUI…

“Khôn Lao mặc muồn” là câu nói cửa miệng của người dân Lào với ý nghĩa “người Lào thích vui”. Điều này được thể hiện khá rõ nét trong phần hội của Boun That Luang. Trong những ngày hội này, nhiều hình thức vui chơi, giải trí được mở ra, từ ẩm thực đến văn hóa, văn nghệ, thể thao, triển lãm, mua bán, giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế…, đặc biệt đây cũng là thời điểm của Hội chợ triển lãm mang tầm vóc quốc tế, thu hút rất nhiều người dân tham gia.

Nghệ thuật Lào 1 Nghệ thuật Lào 2

 Nghệ thuật Lào được phô diễn tại lễ hội – Ảnh: nguồn nyenoona.wordpress.com

Đất nước Lào đã từng được nhiều người biết đến với nền văn nghệ dân gian cổ truyền hết sức phong phú và rực rỡ. Trong các buổi biểu diễn văn nghệ tại lễ hội, người Lào đặc biệt chú trọng tới việc phô diễn các làn điệu dân ca, dân vũ nổi tiếng mang tính đặc trưng của phong tục tập quán Lào, từ Lăm Lưởng (hát truyện thơ), I Kề (một hình thức tựa Cải lương của Việt Nam) đến đối đáp giao duyên như lăm vạy, lăm loòng, lăm tơi, các hình thức hò, ngâm như khắp, xởng, cạp, còn… Các vũ điệu quốc gia như Lam Vôông, Natasine…, một số điệu hò có tính địa phương như lăm Sa La Văn, lăm Si Phăn Đon (Nam Lào), lăm Tằng Vạy (Trung Lào)… cũng được giới thiệu, hòa cùng tiếng khèn, tiếng la-nạt (bộ đàn gõ), tiếng khui (sáo), tiếng Koong (trống) đã tạo nên một không khí vui nhộn đầy phấn khích…

Tại Boun That Luang 2013, các sân khấu ngoài trời được tổ chức hàng đêm với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sỹ đến từ 17 tỉnh, thành của Lào đã giới thiệu các điệu múa hát truyền thống của các dân tộc. Ngoài ra, còn có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sỹ đến từ sáu nước ASEAN. Một trong những hoạt động không thể không nhắc đến tại Boun That Luang là ẩm thực. Ẩm thực Lào góp mặt tại lễ hội khá ấn tượng, từ các món ăn phổ biến đến những món ăn rất kỳ lạ, đến nỗi có người thích đến lễ hội chỉ vì sự phong phú của các món ăn. Bên cạnh đó còn phải kể đến các hoạt động thể thao rất hấp dẫn như biểu diễn voi, thi đấu đấm bốc, đặc biệt thi đấu Tikhy - một trò chơi dân gian truyền thống vừa có tính thể thao vừa mang nội dung tín ngưỡng, không thể thiếu trong Boun That Luang.

 Phong phú món ăn Lào 1 Phong phú món ăn Lào 2

 Phong phú món ăn Lào – Ảnh: nguồn nyenoona.wordpress.com

Tikhy là trò chơi đánh cù trên sân cỏ, có cách chơi na ná như như môn Polo rất thịnh hành tại Ấn Độ và Anh, có điều ở môn Polo người chơi ngồi trên lưng ngựa, còn ở Tikhy người chơi phải di chuyển với… cặp giò gần giống như khúc côn cầu (hockey). Người tham gia cuộc chơi được chia làm hai phe: phe áo đỏ hoặc áo xanh tượng trưng cho quan chức, cán bộ cao cấp, phe áo trắng hoặc cởi trần tượng trưng cho nông dân. Một trận đấu sẽ gồm ba hiệp, mỗi hiệp 20 - 30 phút. Để ghi được điểm, mỗi bên phải dùng gậy đánh banh gỗ (loukkhi), làm sao cho banh vượt quá lằn ranh nửa phần sân bên đối phương. Sau ba hiệp, bên nào có điểm cao hơn sẽ được công nhận chiến thắng.

Theo tín ngưỡng dân gian, nếu năm nào phe áo đỏ hoặc áo xanh (quan chức) thắng phe áo trắng (nông dân) thì đất nước sẽ khó có yên bình, người dân sẽ lâm cơn đói khổ. Vì vậy kết quả trận đấu chỉ mang tính ước lệ và dường như năm nào phe nông dân cũng đều thắng cả. Đặc biệt các cuộc tỷ thí này luôn có sự dự khán chứng kiến của một quan chức cao cấp, trước 1975 là Quốc vương Lào và ngày nay là Chủ tịch nước. Thời điểm diễn ra Boun That Luang cũng là lúc việc nông tang, đồng áng đã xong, do vậy việc diễn trò Tikhy trong dịp này cũng mang ý nghĩa của việc cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi, trên dưới một lòng, đoàn kết cùng xây dựng đất nước thanh bình để người dân, bản làng được ấm no, hạnh phúc…

 Môn chơi Tikhy

Môn chơi Tikhy tại Boun That Luang – Ảnh: nguồn laos-guide.999.com

Cũng tại Boun That Luang 2013, hội chợ đã được tổ chức tại hai nơi: Quảng trường That Luang và Trung tâm Hội chợ thương mại quốc tế “Lao ITECC” tại thủ đô Vientiane. Thực hiện chính sách khuyến khích thương mại của chính phủ Lào với khẩu hiệu “Mỗi địa phương một sản phẩm”, đã có hơn 150 gian hàng của thành phố Vientiane và các địa phương trên khắp đất nước Lào trưng bày và giới thiệu sản phẩm hàng đầu “Made in Laos” phục vụ khách phó hội. Bên cạnh đó, còn có nhiều sản phẩm đến từ các nước ASEAN và Trung Quốc càng làm phong phú thêm nguồn hàng hóa tham gia hội chợ.

● ● ●

Ngoài biểu hiện tín ngưỡng của một lễ hội tôn giáo đượm màu sắc dân gian, Boun That Luang trong quá khứ còn mang ý nghĩa chính trị của một ngày hội thề. Từ thời vua Fa Ngum (thế kỷ XIV) cho đến năm 1975, lễ hội này đều do quốc vương Lào làm chủ lễ, với sự hiện diện của đầy đủ chức sắc, đại biểu, tỉnh mường, làng bản được mời về bàn việc nước. Mỗi vị tham dự sẽ được đại diện bởi một chiếc kiệu làm bằng sáp ong (hó phợng), được xếp thành hàng ngang trước nơi hành lễ và vị sư chủ trì sẽ cầm một cuộn dây bằng sợi vải trắng, đi vòng nối kiệu của các làng bản, tỉnh mường lại với nhau. Đây là một nghi thức mang tính biểu tượng, tượng trưng cho sự cam kết trung thành, đoàn kết quốc gia và không dành chỗ cho sự chia rẽ…

 Huyền diệu đêm hội That Luang

Huyền diệu đêm hội That Luang – Ảnh: nguồn redbubble.com

Chia tay Boun That Luang, ai nấy ra về trong tâm trạng phấn chấn, thầm hẹn lòng sẽ lại có mặt tại Boun That Luang năm sau, để vui cùng niềm vui lòng người giao hòa, đất trời hạnh ngộ - những tín hiệu lạc quan của một niềm tin không quá mong manh…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành