Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

CÀ MAU


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tổng quan

25/11/2010

TỈNH CÀ MAU


Nằm trong vùng cực Nam của bán đảo Cà Mau, nơi tiếp giáp giữa hai dòng hải lưu Bắc Nam và Tây Nam với chế độ thủy triều khác nhau, tỉnh Cà Mau ngày nay là vùng đất đặc biệt với ba mặt giáp biển và một bờ biển dài 249km. Thiên nhiên đã hình thành nơi đây một vùng biển cạn lắng đọng phù sa rộng đến hàng chục ngàn hecta dọc bờ biển và mỗi năm vươn dài ra biển gần 100m.

Nguyên là quận Cà Mau thuộc tỉnh Bạc Liêu được nâng cấp thành tỉnh An Xuyên từ năm 1947, đến năm 1976 tỉnh An Xuyên cùng với tỉnh Bạc liêu đã được hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Ngày 6-11-1996, tỉnh Minh Hải được tách thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, chính thức hoạt động từ 1-1-1997. Tỉnh Cà Mau có diện tích 5.211km² với dân số 1.205.108 người (1-4-2009), Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, Đông và Đông Nam giáp biển Đông, Tây và Tây Nam giáp vịnh Thái Lan. Về mặt hành chánh, tỉnh được chia thành 9 đơn vị gồm các huyện Ngọc Hiển, Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, Năm Căn, Phú Tân và thành phố tỉnh lỵ Cà Mau.

a

DƯ ĐỊA CHÍ

Tên Cà Mau xuất phát từ tiếng Khmer – “Tur Khmau” có nghĩa là “vùng nước đen”, ám chỉ màu nước trong các cánh rừng ngập mặn, rừng đước hay rừng tràm. Người Việt ắt hẳn thâm thúy hơn khi định danh các cánh rừng ngập mặn nơi đây bằng cái tên “U Minh” với ý nghĩa nơi tranh tối, tranh sáng (!). Là một vùng đất trẻ mới được khai phá từ cuối thế kỷ 17, dân số Cà Mau hình thành muộn hơn với chủ yếu từ các nhóm di dân người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm và một số ít dân tộc khác. Nền văn hóa truyền thống do vậy cũng đã có sự đan xen, hài hòa giữa nhiều nền văn hóa khác nhau của các dân tộc.

Địa hình thấp và khá bằng phẳng của Cà Mau đã hình thành nơi đây 3 vùng đất tự nhiên có đặc điểm và tiềm năng kinh tế đặc trưng:

- Vùng trũng phèn Tây Bắc thuận tiện phát triển nông, lâm nghiệp với rừng tràm U Minh Hạ nổi tiếng, trong rừng có nhiều loài động vật, bò sát như trăn, rắn, trút, kỳ đà… và nguồn sản vật mật ong rừng qúy hiếm; rừng nguyên sinh Vồ Dơi vẫn còn nhiều nai, khỉ, heo rừng…

- Vùng trung tâm bao gồm thành phố Cà Mau và vùng ven các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước có độ mặn ít, là vùng lúa - cá đồng, thuận tiện cho các ngành kinh tế công, nông và thương nghiệp phát triển.

- Vùng Nam và Đông Nam đất thấp và nhiễm mặn, chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều vốn thích hợp với nuôi trồng thủy sản. Đây là khu vực có nhiều đầm, phá còn nguyên nét hoang sơ như đầm Bà Tường, phá Tam Giang, đặc biệt nổi tiếng là rừng đước ngập mặn Cà Mau có diện tích lớn thứ hai thế giới sau rừng Amazon. Tuy ven biển Cà Mau là vùng đất bồi lắng đọng phù sa nhưng cũng thật thú vị khi đan xen còn có các bãi cát hay vùng nước trong.

a

Rừng tràm xanh ngút ngàn nhìn từ Vọng hải đài
Ảnh: Huỳnh Thu Dung (nguồn Tuổi Trẻ Online – 19.6.2009) 

TIỀM NĂNG…

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 8 sông chính chảy qua, đó là các sông Trẹm, Ông Đốc, Bảy Háp, Cái Tàu, Cửa Lớn, Gành Hào, Đầm Cùng, Bạch Ngưu tạo thành các cửa sông lớn, hệ thống sông rạch chằng chịt với tổng chiều dài hơn 7.000km tạo nên nét đặc thù và vẻ đẹp sông nước đã gắn liền với đời sống người dân nơi đây. Nhờ có biển dài với một ngư trường rộng lớn hơn 100.000km² thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khả năng đánh bắt tôm cá của Cà Mau rất lớn. Ngoài khơi Cà Mau còn có cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối… và dưới lòng đại dương còn ẩn chứa nhiều tài nguyên dầu khí chờ khai thác mà dự án xây dựng khu công nghiệp khí-điện-đạm Khánh An được thi công đang từng bước đánh thức nguồn tài nguyên qúy giá này.

Ngoài yếu tố sông nước, Cà Mau còn được biết đến với hệ thống rừng rất phong phú quần thể động, thực vật. Nhiều người đã từng biết đến rừng U Minh với giống tràm bạt ngàn hay rừng Sác đã đi vào lịch sử chiến đấu của quân dân miền Nam, rừng đước Cà Mau với bộ rễ đặc trưng cắm chặt vào lòng đất đã từng bước mở rộng biên cương vươn mình về phía biển cực Nam, những vườn chim lớn như Ngọc Hiển, Lâm Viên với thảm thực vật xanh tươi đã giữ chân được nhiều loài chim qúy… Ngày 26 tháng 5 năm 2009, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã được Ủy ban Điều phối Quốc tế về chương trình Con người và Sinh quyển (thuộc UNESCO) đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Về mặt văn hóa, Cà Mau có các công trình như Hồng Anh Thư quán, đình Tân Hưng, kiến trúc nghệ thuật chùa Phật tổ, di tích chứng tích tội ác chiến tranh Bình Hưng - Hải Yến, hòn Khoai, đường Hồ Chí Minh trên biển được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, bên cạnh còn cả trăm công trình có giá trị văn hóa cao như đình, chùa, nhà thờ, thánh thất được người Việt, Hoa, Khmer… dày công xây dựng. Cà Mau còn được biết đến với huyền thoại “Bác Ba Phi” và kho tàng chuyện tiếu lâm dân giã từ những năm 1950 - 1960 và dòng truyện này vẫn còn được tiếp tục phát triển, bổ sung do những “hậu duệ” mang dòng máu “Ba Phi”… Hiện Bảo tàng Cà Mau đang lưu giữ và giới thiệu đến khách tham quan 784 cổ vật trục vớt được từ những tàu đắm cổ, là những độc bản gốm sứ thời vua Ung Chính nhà Thanh bên Trung Hoa.

… VÀ TRIỂN VỌNG

Cách thành phố Hồ Chí Minh 350km, đường đến Cà Mau không nhiều nhưng tương đối thuận tiện, hoặc theo đoạn quốc lộ 1A từ Cần Thơ qua Hậu Giang, Sóc Trăng đến Bạc Liêu (114km), Cà Mau (180km), rồi từ Cà Mau qua Cái Nước đến Năm Căn (55km), hoặc theo quốc lộ 63 từ Rạch Giá đến Rạch Sỏi rồi theo đường 691 đến Cà Mau (130km); du khách cũng có thể theo đường hàng không từ thành phố Hồ Chí Minh đến thẳng Cà Mau chỉ trong 40 phút.

a

Mũi tàu, biểu tượng của Đất Mũi  Ảnh: Tống Đức Thuận (VnExpress.net – 22.2.2009)

Trong nỗ lực kích cầu du lịch, các tuyến đường bộ, đường sông từ thành phố Cà Mau đến các khu du lịch nổi tiếng như Vườn Quốc gia Đất Mũi, rừng nguyên sinh Vồ Dơi, Lâm Ngư trường sinh thái 184, sông Trẹm, hòn Đá Bạc, hòn Khoai… đang từng bước khai thông. Sân bay Cà Mau, cảng biển quốc tế Năm Căn và các cảng cá khác cũng tạo điều kiện để Cà Mau mở rộng giao thương tới các vùng miền và vươn ra cả khu vực…

Với vị thế là mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, nơi chứa đựng biết bao huyền thoại của một thời khai hoang mở cõi vừa bi tráng vừa hào hùng, Cà Mau đã và sẽ là điểm đến ấn tượng đối với nhiều người cả trong và ngoài nước…

Mai Kim Thành

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành