Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

THANH HÓA


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

03/09/2012

LẠ LÙNG SUỐI CÁ THẦN CẨM LƯƠNG


Cách thành phố Thanh Hóa chừng 100km về phía Tây Bắc, bên chân núi Trường Sinh thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy - tỉnh Thanh Hóa), dòng suối Lương Ngọc hay còn gọi suối Cá Thần là một hiện tượng tự nhiên độc đáo nằm giữa cảnh quan tuyệt đẹp của núi rừng. Nơi đây không biết từ bao đời đàn cá hàng ngàn con sinh sống trong hang đá, thường ra chơi đùa trên dòng suối dài chừng 20m mà không hề di chuyển ra khỏi khu vực, được bà con dân tộc Mường tôn kính xem như biểu tượng gắn với đời sống tâm linh, không bắt và ăn thịt nên đã có tên gọi “suối Cá Thần” hay “vó Cá Thần”.

 Đàn cá đến hàng nghìn con

Đàn cá đến hàng nghìn con – Ảnh: nguồn kienthuc.net.vn

Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, theo quốc lộ 217 nối Đò Lèn (cạnh quốc lộ 1A) về cầu treo Cẩm Lương, con đường đưa khách lên phía Tây Bắc, qua cầu Vạn Hà, đến thị trấn Kiểu rồi rẽ trái đi tiếp chừng 20km để đến suối Cá Thần. Du khách đi đường thủy, từ bến cầu Hàm Rồng theo ca-nô ngược dòng sông Mã lên địa danh Cửa Hà - Cẩm Thủy đẹp nên thơ, hoặc theo đường Hồ Chí Minh, khi đến thị trấn Cẩm Thủy thì rẽ lên quốc lộ 217 rồi đi tiếp chừng 3km sẽ đến được suối Cá Thần.

TRUYỀN THUYẾT VỀ CÁ THẦN

Cư dân Cẩm Lương lưu truyền một truyền thuyết thú vị, theo đó vào thuở xa lắc xa lơ, vào một năm nọ thời tiết bỗng trở nên khắc nghiệt dẫn đến nạn hạn hán, người dân đã nghèo càng thêm túng đói cơ cực. Một hôm có hai vợ chồng người bản đi làm đồng tình cờ nhặt được một quả trứng lạ, người vợ bèn đem quả trứng ra thả ở dòng suối Lương Ngọc định cho nó trôi đi, nhưng lạ thay mỗi khi nhắc tay lên bà lại thấy trứng nằm ở trên tay mình. Thấy vậy, hai vợ chồng quyết định đem quả trứng đặt vào ổ gà đang ấp, sau đó quả trứng đã nở ra một con Rắn. Quá sợ hãi, người chồng liền đem Rắn ra thả ở suối Lương Ngọc, nhưng cứ tối đến nó lại bò về nhà. Ông bà đành phải để Rắn ở lại làm bầu bạn trong nhà vì thực tế ông bà cũng đang sống cảnh neo đơn không con cái.

Suối Cá thần thu hút khách tham quan  

Suối Cá thần thu hút khách tham quan – Ảnh: nguồn lehoi.cinet.vn

Điều lạ lùng là kể từ khi có Rắn, đồng ruộng đủ nước cày cấy, dân bản sống an lạc thái bình, thóc lúa, khoai sắn đầy bồ, rượu đầy chum ché… Mọi người sớm nhận ra Rắn là vị cứu tinh nên cũng hết mực tôn kính. Trải qua năm tháng, chàng Rắn đã to bằng ống vác nước, cứ trưa trưa lại lên xà nhà nằm… Một hôm trời bỗng nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng, Rắn cũng đi đâu mất biệt. Sau khi trời quang mây tạnh, dân bản đi tìm và thấy Rắn nằm chết bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Lương Ngọc. Thương tiếc chàng Rắn, dân bản đã chôn cất đàng hoàng bên chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi lễ tế, thần linh đã mộng báo cho biết chàng Rắn chết là do quyết chiến với loài thủy quái để bảo vệ dân bản.

Cận cảnh đàn Cá thần  

Cận cảnh đàn Cá thần – Ảnh: Văn Văn (nguồn phapluatxahoi.vn)

Cũng từ đó ở suối Lương Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá lạ đến hàng nghìn con về chầu trước đền Ngọc Từ. Tin là đàn cá của chàng Rắn và có một sứ vụ thiêng liêng, người dân trong vùng tôn gọi là Cá thần. Sau này chàng Rắn được phong thần gọi là Tứ Phủ Long Vương.

Đền Ngọc Từ được xây dựng vào thế kỷ XI, trong đền có 2 đạo sắc thời Lê của vua Lê Thần Tông thời Vĩnh Tộ (1619 - 1629) và Lê Hiển Tông (1740 - 1786), 1 đạo sắc thời Nguyễn của vua Khải Định năm thứ 8 (1924). Đền đã qua nhiều lần trùng tu, lần gần nhất là vào năm 1928 nhưng đến năm 1962 đã bị sập do không chịu nổi sức công phá của thời gian. Trong vài năm gần đây, ngôi đền đã được bà con xây dựng lại trên nền móng cũ, nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên với chiếc cầu nhỏ sơn màu đỏ là dấu tích cũ còn sót lại.

 Đền Ngọc Từ mới được xây dựng lại

Đền Ngọc Từ mới được xây dựng lại – Ảnh: Văn Văn (phapluatxahoi.vn)

Hàng năm cứ vào ngày 8 đến 15 tháng Giêng âm lịch, bà con dưới chân núi Trường Sinh lại tề tựu bên hang Cá Thần mở hội tế thần Núi, thần Sông, thần Cá… Điểm đáng ghi nhận, thần Cá trong niềm tin của bà con làng bản không phải vô hình hay trừu tượng mà là một đàn cá đông đúc đến hàng ngàn con với hình dáng lạ và đủ mọi kích cỡ.

CÁ THẦN CẨM LƯƠNG

Xuất phát từ mạch mước trong ngọn núi đá vôi Bồ Um thuộc dãy Trường Sinh, dòng suối Lương Ngọc khi đổ ra bên ngoài chỉ rộng trung bình khoảng 4m và dài chừng 20m, nơi sâu nhất là ở cửa hang chừng 80cm, chỗ cạn nhất như nước mặt ruộng, lấp xấp chỉ chừng 20cm –  đây chính là khuôn viên sinh hoạt của đàn cá. Qua khỏi 20m là phía hạ nguồn, dòng suối được mở rộng có nơi đến 40m và dài chừng 300m. Tại suối tập trung rất nhiều cá lớn, nhỏ nhưng không ai dám bắt, ăn vì người địa phương tin rằng đó là loài Cá thần. Cho đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào nhằm xác minh nguồn gốc dòng suối cũng như giải mã hiện tượng đàn cá tập trung nơi đây.

 Đàn cá ra suối dạo chơi

Đàn cá ra suối dạo chơi – Ảnh: nguồn xuthanhnet.wordpress.com

Hàng ngày, ngay từ sáng sớm đàn cá đã bơi ra dòng suối để dạo chơi và kiếm ăn. Nơi cá tập trung đông nhất là ở cửa hang và thường là cá lớn, có thể nặng từ 2kg trở lên. Riêng bầy cá nhỏ như lũ trẻ ham chơi thường bơi đi xa hơn, nhưng dù xa tới đâu, hễ mặt trời dần khuất núi thì chúng cũng tự giác quay về, chui vào hang ngầm để qua đêm như một quán tính tự nhiên… Thực tế cho thấy dù có mưa to bão lớn làm suối ngập, nước tràn thì đàn cá vẫn không theo nước chảy mà dời đi nơi khác. Trong những trường hợp chẳng may bị nước cuốn trôi xa, nếu không theo khe nước mà quay lại được thì chúng vẫn cố nằm lại, đầu hướng về hang cá. Do vậy, đã thành lệ cứ sau mỗi đợt mưa lũ lớn, người dân Cẩm Lương lại đổ xô đi tìm cá bị mắc cạn để đưa chúng về suối cũ, bởi họ tin rằng Cá thần ở suối càng nhiều thì cuộc sống người dân càng phồn vinh, no ấm…

Có thể nhìn rõ toàn thân cá  

Có thể nhìn rõ toàn thân cá – Ảnh: nguồn ttdlvn.com

Cá nơi đây có hình thù hơi khác lạ, với phần thân giữa căng tròn như cá Trắm, vẩy tựa cá Chép, lưng hơi sẫm, môi có màu phớt hồng, vây và đuôi có chấm đỏ, màu sắc đa dạng với đỏ, xanh, hồng… Mỗi khi bơi, thân cá lấp lánh ánh bạc, phát sáng nhiều màu tạo nên một tổ hợp sắc màu lung linh. Theo phân tích gần đây của các nhà khoa học, đàn cá ở suối Cẩm Lương gồm nhiều loài: cá Dốc (tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus - thuộc bộ cá Chép, có tên trong Sách đỏ Việt Nam), cá Chài, cá Mại, chúng sống với nhau trong một giang sơn riêng và không có bất kỳ loài cá nào khác có thể xâm phạm hay chung sống được.

Đàn cá dạn dĩ và thân thiện  

Đàn cá dạn dĩ và thân thiện – Ảnh: nguốn thegioitruyentranh.vn

Một điều lạ là tuy có đến hàng ngàn con cá quẩy lội nhưng dòng nước vẫn trong vắt có thể nhìn rõ những viên đá cuội dưới đáy, đặc biệt nước không bị nhiễm mùi tanh và người dân vẫn sử dụng để tắm giặt, kể cả nấu ăn như trước đây khi chưa có nguồn nước thay thế. Do mỗi khi ra suối rửa rau hay vo gạo, bà con ai cũng nhớ chia cho cá một ít thức ăn nên đàn cá rất dạn dĩ và gần gũi với con người. Vào mùa nước cạn (thường vào mùa Đông), khi lòng suối chỉ sâu chừng 20 - 40cm, có thể nhìn rõ toàn thân của cá. Điểm thú vị là du khách có thể đưa tay ve vuốt những con cá đang nhỡn nhơ bơi lội hoặc cho cá ăn trên lòng bàn tay và dường như chúng cũng rất thích thú với nghĩa cử thân thiện này…

CẨM LƯƠNG - ĐIỂM DU LỊCH SINH THÁI

Nằm xen giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã, xã Cẩm Lương được dãy núi đá vôi Trường Sinh chạy suốt từ Đông đến Bắc ôm gọn vào lũng núi như hình một chiếc võng khổng lồ, xa xa dòng sông Mã trong xanh như một dải lụa mềm trải suốt phía Tây Nam tạo thành một vùng cảnh quan sơn thủy hữu tình. Đứng bên này sông trên đường vào suối Cá Thần, du khách được dịp chiêm ngắm cả một vùng giang sơn cẩm tú, được chấm phá dung dị bởi làng bản cùng chiếc cầu treo hiện đại bắc qua dòng sông Mã.

 Khách du Xuân săn ảnh cá

Khách du Xuân thích thú chụp ảnh cá – Ảnh: nguồn vietnamhuongsac.com

Cẩm Lương với dòng suối Lương Ngọc và đàn Cá thần từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều khách tham quan, đông nhất là vào dịp đầu năm khi bà con nơi đây mở hội tế thần và khách du Xuân đổ về thăm suối Cá Thần không chỉ để chiêm ngưỡng đàn Cá thần mà còn với tấm lòng thành tín, cầu mong một năm mới nhiều may mắn. Sau khi thỏa thuê thư giản cùng đàn cá, du khách có thể ngược dòng suối Lương Ngọc, vượt qua những đoạn đường gấp khúc theo hình bậc đá để khám phá dãy núi Trường Sinh, nơi còn lưu giữ nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương.

 Cửa động Cây Đăng

Cửa động Cây Đăng – Ảnh: nguồn afamily.vn

Từ chân núi đi lên khoảng 200m, du khách sẽ gặp cửa động Cây Đăng với vòm cao 7m, rộng 8m, có lối vào khá thoáng rộng dễ đi. Đặt chân vào nơi đây, du khách ngỡ như lạc vào chốn Bồng Lai tiên cảnh với vô vàn thạch nhũ đa sắc, đủ hình dạng mà cứ mỗi bước chân lại dẫn đến những hình tượng, huyền tích khác nhau mặc cho trí tưởng tượng tha hồ bay bỗng. Từ những cột nhũ hình đụn vàng, đụn bạc, kho lúa… đến những cột nhũ có hình dạng như đôi trai gái đang đứng ôm nhau biểu tượng cho hạnh phúc, cột nhũ giống hệt người mẹ tràn đầy sinh lực đang cõng đứa con mập mạp biểu tượng cho tình mẫu tử bao la… Từ động Cây Đăng đến động Đắng, những nhũ đá liên hoàn tạo thành bức tranh toàn mỹ và đầy sức cuốn hút… Điều thú vị là du khách chỉ cần đi một mạch, sau khi khám phá hết hang động Cây Đăng thì trở ra bằng cửa động Đắng như một vòng tròn khép kín.

 Kỳ thú thạch nhũ động Cây Đăng

Kỳ thú thạch nhũ động Cây Đăng – Ảnh: nguồn afamily.vn

Cư dân Cẩm Lương đa phần là dân tộc Mường, còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống như dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pôn Pông…, lác đác đó đây vẫn còn những ngôi nhà sàn cổ. Du khách đến đây sẽ được làm quen với nền văn hóa bản địa độc đáo, tiếp xúc với những con người chân chất, hiền lành và được dịp thưởng thức món Ngô (bắp) nướng hay Ngô luộc “đặc sản” của vùng đất này. Nơi đây còn có quả Bầu ngô trồng núi đá và đặc biệt là thứ bánh Gai thơm ngon, dẻo ngọt… Nếu đi vào mùa mưa, du khách có thể thưởng thức món ốc Đá, một loài ốc chuyên ăn lá cây rừng có thịt thơm ngon, vừa bổ lại vừa mát…

● ● ●

Suối Cá Thần Cẩm Lương là một sản phẩm độc đáo của thiên nhiên. Với cảnh quan tuyệt đẹp hội tụ đủ cả núi, rừng, sông, suối cùng làng bản hiền lành, từ lâu Cẩm Lương đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa, được xếp vào một trong những cảnh đẹp Việt Nam. Hy vọng trong tương lai gần, nơi đây sẽ được đầu tư đúng mức và có trách nhiệm để trở thành một điểm đến tâm đắc thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước…

Mai Kim Thành     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành