Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

KONTUM


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

22/10/2013

ĐĂK BLA - DÒNG SÔNG CHẢY NGƯỢC (KON TUM)


Đến phố núi Kon Tum, du khách hẵng ngỡ ngàng với hình ảnh dòng sông Đăk Bla như một dải lụa mềm uốn lượn điệu đàng ôm gọn vào mình thành phố Kon Tum bé nhỏ, và sẽ thật ấn tượng khi nhìn thấy giữa vùng sông nước Đăk Bla bao la rộng lớn, những chiếc thuyền độc mộc như những chiếc lá rừng lững lờ trôi trong nắng sớm cao nguyên…

Nắng sớm trên dòng Đăk Bla  

Nắng sớm trên dòng Đăk Bla – Ảnh: nguồn bantinsom.vn

DÒNG SÔNG NƯỚC LỚN & NHỮNG CHIẾC LÁ RỪNG…

Nếu mọi dòng sông ở Tây nguyên đều có khởi nguồn từ dãy Đông Trường Sơn đổ nước về biển Đông, thì riêng dòng Đăk Bla lại xé rào theo hướng Tây Trường Sơn, kéo dài hơn 100km từ thượng nguồn Polei Breng thuộc huyện Kon Plông phía Tây tỉnh Kon Tum, chảy về thành phố Kon Tum rồi lượn lờ sang hướng Tây Tây Nam hợp với dòng sông Krông Pô Kô từ hướng Bắc đổ xuống tạo thành con sông lớn Đăk Bla Yaly hùng vĩ. Chính bởi đặc điểm cá biệt này mà Đăk Bla đã được mệnh danh là “dòng sông chảy ngược”. 

Đua thuyền độc mộc  

Đua thuyền độc mộc trên dòng Đăk Bla – Ảnh: nguồn my.opera.com

Ngày nay Đăk Bla Yaly được gọi là Sê San. Trong hành trình của mình, dòng Sê San lại đưa nước sang tận xứ sở Ankor nhập vào dòng Serepok trước khi hòa mình cùng dòng Mekong để trở về với biển Đông. Do địa hình phức tạp với nhiều đoạn cua gấp khúc, lòng sông lại rộng nên đến mùa mưa lũ khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá lớn đã tạo nên dòng nước hung hãn, sẵn sàng cuốn phăng những gì nó gặp trên đường… Có lẽ bắt nguồn từ thực tế đó mà từ xa xưa người Bahnar đã gọi dòng sông này là Đăk Krong Plăh - dòng sông nước lớn. Trong tiếng Banah, “đăk” là nguồn nước, “plăh” là hung bạo, dữ tợn.

 Dòng Đăk Bla uốn lượn

Dòng Đăk Bla uốn lượn qua Tp. Kon Tum – Ảnh: nguồn kontumquetoi.com

Để xuôi ngược trên dòng Đăk Bla, từ bao đời người Bahnar đã khéo chế tác chiếc thuyền độc mộc có hình dáng thon dài, gắn bó với họ sắt son như những tri âm tri kỷ. Với đặc điểm nhỏ gọn và cấu tạo đơn giản, có sức nâng cao, ít lực cản của nước lại rất cơ động, thuyền độc mộc đã tỏ ra hữu dụng trong việc giúp người Bahnar vận chuyển lúa, ngô trên nương rẫy, măng, củi, gỗ… trong rừng về làng bản, làm phương tiện thả lưới bắt cá trong những ngày nhàn nhã, đặc biệt thuyền độc mộc còn là không gian trữ tình của những tiếng hú điệu hò khi các chàng trai Bahnar cất lên gởi vào gió núi để nhờ dẫn đường các cô gái Bahnar tìm đến bắt chồng (!)…

Bến thuyền độc mộc  

Bến thuyền độc mộc làng Kon Ktu – Ảnh: Hà Oanh (nguồn kontum.gov.vn)

Đúng như tên gọi, “độc mộc” là loại thuyền được khoét từ nguyên thân cây lớn - thường là cây Sao với đặc điểm nhẹ nhưng chắc chắn, ít bị mối mọt. Thuyền độc mộc có chiều dài chừng 5m và chiều rộng chỉ khoảng 0,5m, vừa mang ý nghĩa của một phương tiện vận chuyển, đồng thời cũng là công trình nghệ thuật độc đáo của các nghệ nhân Bahnar.   

KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP SÔNG NƯỚC

Ngày nay khi tỉnh Kon Tum đang ngày càng hấp dẫn khách du lịch và du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố Kon Tum cũng được quan tâm phát triển, thì thuyền độc mộc của người Bahnar lại trở thành phương tiện độc đáo đưa khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp sông nước Đăk Bla chở nặng những trầm tích văn hóa của các cư dân bản địa.

Cầu treo Kon Klor  

Cầu treo Kon Klor trên sông Đăk Bla – Ảnh: Lê Nam (news.apttravel.com)

Theo con thuyền độc mộc nhẹ trôi trên dòng Đăk Bla, du khách mới thấy rõ sự thơ mộng của dòng sông chảy ngược, nổi rõ trên nền trời cây cầu treo Kon Klor dài và đẹp nhất Tây nguyên… Phía bờ Nam là những nương ngô bãi mía xanh rì và qua khỏi hữu ngạn cầu Kon Klor là các buôn làng Đăk Rơ Wa, Plei Groi của người Bahnar, làng Phương Hòa của người Kinh. Phía bờ Bắc là thành phố Kon Tum, thấp thoáng bên thượng nguồn là các bản làng Kon Ktu, Kon Jơdri, Kon Klor… của người bản địa Bahnar, Rơ Ngao với những ngôi nhà rông rất đẹp. Qua làng Kon Jơri, du khách sẽ tiếp tục đến thăm những bản làng Bahnar khác như Kon Tum Pơ Pâng, Kon Tum Mơ Nây…

Đá Rơ-wang  

Đá Rơ-wang giữa dòng Đăk Bla – Ảnh: Tạ Văn Sỹ (nguồn phunutoday.vn)

Xa về phía thượng nguồn, hai bên dòng sông Đăk Bla nổi lên những vách đá dựng đứng tạo nên sự hùng tráng kỳ vĩ của cảnh quan, kích thích nhiều hơn du khách ưa mạo hiểm khám phá. Tại khu vực này có đoạn giữa dòng sông nhô lên một cồn cát làm chia đôi dòng nước, thi thoảng xuất hiện một bẫy cá bằng tre nứa, chung quanh cắm lá và cỏ - đây là loại bẫy của cư dân bản địa với mồi là bả rượu cần và chính mùi thơm của rượu sẽ thu hút đàn cá háu ăn…

Thiếu nữ Bahnar

 Thiếu nữ Bahnar bên sông – Ảnh: Minh Đức (nguồn vietnam.vnanet.vn)

Trong hành trình khám phá sông nước Đăk Bla, các làng bản người Bahnar, Rơ Ngao là điểm dừng không thể thiếu của các tours du lịch. Nơi đây nổi bật những mái nhà rông cao vút cùng sự thân thiện của các cư dân, được biểu hiện qua sự vồn vã của các em nhỏ vẫy tay chào khách hay những nụ cười cởi mở của các thiếu nữ trên đường gùi nước về buôn… Du khách đến đây có thể nghỉ qua đêm tại nhà rông của làng cổ Kon Ktu để có nhiều thời gian chiêm ngưỡng và đắm mình trong bản sắc văn hóa Bahnar, được nồng say trong men rượu cần và những điệu múa xoang đầy mê hoặc, được thả hồn mênh mang cùng những lời khan và âm vang cồng, chiêng rộn rã bên ánh lửa bập bùng…

Làng du lịch văn hóa Kon Ktu  

Làng du lịch văn hóa Kon Ktu – Ảnh: nguồn dulichgo.blogspot.com

● ● ●

Trải qua bao biến thiên dâu bể với dòng sông bên lở bên bồi, những gì còn đọng lại nơi những con người Bahnar bình dị chân chất vẫn là sự thân thiện và lòng hiếu khách như một nét đẹp văn hóa, một bản năng còn mãi với thời gian… Có điều với sự hình thành công trình thủy điện Thượng Kon Tum hiện nay, các nhà khoa học đang rất băn khoăn bởi khi thủy điện này tích nước và chuyển dòng xong thì hạ lưu sông Đăk Snghé và Đăk Bla sẽ bị mất 50 – 60% lượng nước, có khả năng chỉ còn là những vết tích của dĩ vãng…  

Hệ lụy có thể đến  

Hệ lụy có thể đến từ thủy điện Thượng Kon Tum – Ảnh: nguồn thiennhien.net

Hy vọng các cấp chính quyền cùng Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) sẽ sớm tìm ra giải pháp khả dĩ để dòng sông Đăk Bla không bị bức tử, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến môi trường mà còn cả ngành du lịch còn non trẻ của tỉnh Kon Tum…

Mai Kim Thành     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành