VIỆT NAM
- Tây Bắc bộ
- Đông Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Duyên hải Bắc Trung bộ
- Duyên hải Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long
HÀ GIANG
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội
10/11/2015
MIÊN MAN MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH (HÀ GIANG)
Hàng năm vào dịp cuối Thu đầu Đông, khi khí trời se lạnh và những đợt gió mùa Đông Bắc bắt đầu thổi về trên những vùng đất cực Bắc Việt Nam, du khách đến đây dễ bị hớp hồn bởi những nương đồi hay thung lũng phủ đầy hoa như trải thảm với màu trắng hoặc hồng thật bắt mắt và ấn tượng - đó là các nương rẫy Tam giác mạch, một loại cây lương thực thứ yếu sau lúa và ngô được trồng nhiều ở các huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Quảng Uyên (Cao Bằng), Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc (Hà Giang), Simacai, Bắc Hà (Lào Cai)…
HUYỀN SỬ MỘT TÊN GỌI…
Kiều mạch hay Tam giác mạch là một loại cây thuộc họ Rau răm (Polygonaceae), tên khoa học là Fagopyrum esculentum moench. Đây là loài cây thân thảo có phân cành, cao từ 30 - 80cm, lá hình quả tim, hoa mọc thành chùm ở nách lá hoặc ở ngọn với màu trắng hay trắng phớt hồng, hoa khi còn ở dạng búp có hình chóp với ba mặt khá rõ, đến khi hoa tàn ở giữa kết một hạt mạch hình chóp nhọn với ba mặt hình quả tim, màu vàng vỏ đậu và biến màu thành nâu đen khi khô, bên trong hạt có chứa nội nhũ bột.
Miên man mùa hoa Tam giác mạch – Ảnh: Mk. Thanh
Được thuần hóa đầu tiên khoảng 6.000 năm trước công nguyên từ khu vực phía Tây tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), kiều mạch đã lan sang Trung Á, Tây Á, rồi đến Trung Đông và châu Âu. Loại cây này vốn không ưa nước và có sức chịu lạnh yếu, chỉ sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu ấm và mát với nhiệt độ 15° - 22° C. Ngày nay kiều mạch được thấy trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản cùng nhiều nước châu Âu, riêng tại Việt Nam được trồng ở những vùng núi cao phía Bắc.
Trong dân gian các vùng cao có lưu truyền một câu chuyện khá thú vị về cây Tam giác mạch. Một hôm có hai nàng tiên Gạo và Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới. Sau khi gieo hết hạt, số mày trấu và ngô còn lại đã được các cô cẩn thận đổ vào trong khe núi. Theo thời gian, các hạt lúa và hạt ngô nẩy mầm, lớn lên và đơm bông kết hạt, được con người thu hoạch về ăn.
Tam giác mạch trên vùng cao nguyên đá – Ảnh: nguồn vietnamtourism.com
Khi hạt thóc và hạt ngô trong bồ nhà đã cạn mà vụ sau chưa kịp đến, cái đói đã trở thành nỗi ám ảnh của bản làng. Để bù đắp sự thiếu hụt cái ăn, dân làng đã chia nhau đi khắp núi rừng tìm kiếm lương thực. Họ bủa đi khắp nơi, lục lọi nhiều hang hóc đồi núi nhưng đã qua nhiều ngày, đặt chân đến nhiều nơi mà vẫn chưa tìm được thứ gì khả dĩ làm no được cái bụng.
Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương lạ, một mùi hương mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến lúc bấy giờ chưa ai được ngửi thấy. Lần theo mùi hương, họ tìm đến khe núi và thật bất ngờ trước một thảm hoa li ti trải suốt từ sườn núi này sang sườn núi khác. Chỉ khi đến gần họ mới thấy rõ những chiếc lá hình trái tim e ấp bên dưới những chùm hoa.
Hạt Kiều mạch (Tam giác mạch) khô – Ảnh: Mk. Thành
Khi hoa kết hạt, mọi người đã thử đem hạt về chế biến và thấy ngon không kém gì ngô hay gạo. Cho rằng cây này có họ hàng với nhà ngô, nhà gạo và đã nảy lên từ mày gạo, mày ngô, họ gọi luôn là mạch. Dựa vào hạt mạch có hình tam giác, dân làng đã gọi cây mới phát hiện là “Tam giác mạch”. Từ đó “Tam giác mạch” trở thành loài cây cứu đói của bản làng…
TỪ CÂY CỨU ĐÓI ĐẾN THƯƠNG HIỆU DU LỊCH
Từ lâu con người đã biết sử dụng bột Kiều mạch hay Tam giác mạch để nấu cháo hay làm bánh. Giới làm đẹp cũng đã biết dùng loại bột này làm sữa rửa mặt giúp da trở nên mịn màng, hoặc kết hợp với bột Baking Soda để trừ mụn trên khuôn mặt… Theo Đông y, Kiều mạch hay Tam giác mạch có vị chát, hơi the, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt và giải độc…
Vùng đất cổ tích – Ảnh: Hữu Thông (nguồn vietnamnet.vn - Báo Đất Việt)
Trên các vùng Việt Bắc, cây Tam giác mạch đã được bà con dân tộc sử dụng làm rất nhiều món ăn: thân và lá khi còn non được hái về luộc ăn như một loại rau rừng, có vị hơi ngai ngái; hạt rang lên ăn ngay rất thơm ngon mang hương vị của núi rừng; hạt phơi khô xay nhuyễn thành bột có thể nấu cháo hay làm bánh - bánh Tam giác mạch dẻo như bánh nếp nhưng thơm vị mạch và ngọt đậm đà, được bày bán ở các chợ phiên như Mèo Vạc, Đồng Văn…
Người đàn ông dân tộc còn biết kết hợp giữa hạt Tam giác mạch và hạt ngô, nấu rồi ủ cho lên men tạo ra loại rượu Cốc Pài hay Tam giác mạch đầy mê hoặc với hương vị rất riêng, không cay như rượu gạo cũng chẳng ngọt như rượu cần. Loại rượu này một khi đã uống thì không thể không say nhưng là cái say êm khiến khách lưu linh khi tĩnh rượu lại còn muốn say thêm một lần nữa…
Nương đồi Tam giác mạch – Ảnh: nguồn blogradio.vn
Thông thường người dân tộc chỉ trồng Tam giác mạch vào hai thời điểm: tháng 3 - 4 và tháng 10 - 11 lúc thời tiết mát dịu, vụ mùa chỉ kéo dài ba tháng. Hoa Tam giác mạch tuy đẹp nhưng không thơm, chỉ nở rực và tàn trong chừng một tháng, đặc biệt hoa có cảm ứng biến đổi màu theo thời gian: hoa mới nở có màu trắng tinh khôi, chuyển sang phớt hồng sau một tuần, rồi ánh tím và ngả sang màu đỏ sậm khi sắp tàn. Do năng suất thấp hơn ngô và lúa (thông thường chỉ đạt 50 kg/sào Bắc bộ) nên diện tích trồng Tam giác mạch đã không được mở rộng, thậm chí có nơi trồng chỉ để làm thức ăn cho gia súc.
Như vậy cây Tam giác mạch đã được sử dụng hầu hết cho nhu cầu nuôi sống con người, duy chỉ có hoa mang giá trị tinh thần với vẻ đẹp miên man hoang dại… Vào mùa hoa Tam giác mạch nở rộ, khung cảnh núi đồi Việt Bắc trở nên lung linh thơ mộng bởi các thung lũng hay nương đồi sáng rực như khoác lên mình tấm áo mới. Biết bao khách đường xa khi ngang qua những nương đồi Tam giác mạch đang độ ra hoa đã dừng bước ngẩn ngơ (!); riêng đối với giới nhiếp ảnh, đây quả là nguồn cảm hứng vô tận…
Hoa Tam giác mạch hấp dẫn khách du lịch – Ảnh: Mk. Thanh
Trong những năm gần đây, các nương đồi hoa Tam giác mạch đã có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với khách du lịch. Nắm bắt được nhu cầu thưởng ngoạn hoa của du khách, nhiều địa phương đã đầu tư nhân rộng diện tích gieo trồng cây Tam giác mạch tạo lực hút phát triển du lịch. Vậy là từ một loại cây lương thực thứ yếu, Tam giác mạch đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại nhiều địa phương, tạo nên hiệu ứng tích cực trong kích cầu du lịch…
LỄ HỘI HOA TAM GIÁC MẠCH TẠI HÀ GIANG
Trong chừng mươi năm trở lại đây, hoa Tam giác mạch đã trở thành loại hoa đặc trưng của vùng Việt Bắc và đang ngày càng trở thành sản phẩm du lịch có thương hiệu đặc thù trong khai thác phát triển du lịch… Tuy Tam giác mạch được trồng nhiều ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang… nhưng không ai có thể phủ nhận, Hà Giang chính là địa phương trồng nhiều nhất với địa hình núi đá cao nguyên, vừa đa dạng vừa rất ngoạn mục…
Hà Giang rực hồng tam giác mạch – Ảnh: nguồn travel.com.vn
Năm 2010, UNESCO đã công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu. Trong nỗ lực quảng bá hình ảnh và thu hút các nhà đầu tư xây dựng cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và nhân văn của cư dân bản địa, đồng thời cũng phát huy giá trị cảnh quan từ hoa Tam giác mạch tạo ra những điểm nhấn du lịch, tỉnh Hà Giang đã lên kế hoạch tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch.
Lễ hội hoa Tam giác mạch lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại khu phố cổ trung tâm huyện Đồng Văn từ 12 – 15/11/2015, với chuỗi các hoạt động văn hóa như Chương trình Khai mạc, Bế mạc Lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2015; Không gian trưng bày hoa và các sản phẩm từ hoa Tam giác mạch; Thi, triển lãm ảnh đẹp về hoa Tam giác mạch; Đêm hội rượu hoa Tam giác mạch; Hội thảo nâng cao giá trị cây Tam giác mạch, sản xuất các sản phẩm gắn với phát triển du lịch tại một số vùng trọng điểm tỉnh Hà Giang…
Cận cảnh hoa Tam giác mạch – Ảnh: nguồn khampha.vn
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Chính quyền địa phương đã mạnh dạn đầu tư 3,5 tấn hạt giống phân phát đến người dân để trồng mới 31 hecta Tam giác mạch tại các điểm du lịch của tỉnh, cụ thể tại ba khu vực đèo Mã Pí Lèng, cánh đồng xã Pả Vi - Giàng Su Phì và sân vận động trung tâm thuộc huyện Mèo Vạc. Ngay từ hạ tuần tháng 9, việc gieo hạt đã được tiến hành bảo đảm đến mùa Lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2015, cao nguyên đá Đồng Văn sẽ mang một diện mạo tươi trẻ và hấp dẫn, đáp ứng sự kỳ vọng và háo hức của khách tham quan.
Đến Hà Giang vào những ngày này, từ Quản Bạ, Yên Minh đến Phố Cáo, Đồng Văn cùng những cung đường quanh co uốn khúc của đèo Mã Pí Lèng, đâu đâu cũng thấy rực rỡ một màu trắng hồng quyến rũ của hoa Tam giác mạch, nhiều nhất là tại Sủng Là, Đồng Văn, Phố Cáo, Ma Lé, Lũng Cú, Xín Mần… Hành trình chiêm ngắm hoa Tam giác mạch còn đưa du khách đến những địa chỉ quen thuộc như cao nguyên đá Đồng Văn, phố cổ Đồng Văn, di tích Nhà Vương (dinh vua Mèo), thị trấn Phó Bảng, con đường Hạnh Phúc, sông Nho Quế, các làng văn hóa du lịch, thôn văn hóa dân tộc…
Cao nguyên đá với sắc hồng Tam giác mạch – Ảnh: nguồn dongvan.gov.vn
● ● ●
Với việc xây dựng hình ảnh hoa Tam giác mạch thành thương hiệu và sản phẩm du lịch, tỉnh Hà Giang đã thành công bước đầu trong thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. Là một tỉnh địa đầu trên cao nguyên đá hùng vĩ và thơ mộng, Hà Giang với nhiều di sản kiến trúc từ lịch sử, văn hóa đến danh thắng cùng bản sắc độc đáo của 17 dân tộc anh em, sẽ để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu đậm trong lòng khách lãng du…
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
Chủ đề liên quan :
- CHỢ TÌNH KHÂU VAI 03/08/2011
Dòng thời sự
- LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2023 - BÌNH THUẬN - HỘI TỤ XANH
(02/01/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI
Góc thư giãn