Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

LAI CHÂU


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

21/09/2016

BUN VỐC NẬM - LỄ HỘI TÉ NƯỚC DÂN TỘC LÀO


Cách nay chừng 300 năm, một nhóm người thuộc dân tộc Lào đã tìm tới định cư ven dãy Hoàng Liên Sơn, khai hoang và sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước; họ là tổ tiên của những cư dân Lào trên vùng đất Tây Bắc ngày nay…

BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC LÀO

Dù định cư trên vùng đất mới, các lưu dân Lào ngoài việc tiếp thu những giá trị văn hóa bản địa, còn biết duy trì bản sắc văn hóa của cố hương qua các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, điệu dân vũ lăm vông…

Bản người Lào bên dòng Nậm Mu  

Bản người Lào bên dòng Nậm Mu – Ảnh: Thảo Ngân (nguồn dulich24.com.vn)

Là cư dân nông nghiệp lúa nước lâu đời, người Lào từ ngàn xưa đã quan niệm nước là nhu cầu sống của vạn vật, do vậy họ rất biết qúy trọng nước, biết dựa vào “phạ”, “then” để ký thác nổi niềm lo lắng… Từ đó đã lưu truyền tục cầu mưa và theo thời gian phát triển thành lễ hội cộng đồng. Thường sau mỗi kỳ thu hoạch xong vụ mùa (đầu tháng 4 hoặc khoảng trung tuần tháng 11 dương lịch), người Lào lại háo hức vào lễ hội Bun Vốc Nậm với ước mong cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật phát triển, cây cối tốt tươi…

Vào dịp này, không phải các “mo lăm” hay già làng đứng ra chủ lễ mà cả cộng đồng cùng tham gia. Các nam nữ thanh niên trong bản làm các động tác như đập mẹt, gõ trống, tuốt lá cọ, tuốt lạt… bắt chước tiếng sấm, tiếng mưa rơi. Họ còn đội nón, khoác áo mưa đến các nhà xin nước như một hình thức xin lộc Trời, rồi kéo ra sông té nước vào nhau, làm trò diễn cách điệu trong tín ngưỡng phồn thực thể hiện tính giao nam nữ, với ước mong trời đất đổ mưa cho mùa màng tươi tốt bội thu, con người được sinh sôi nảy nở…    

Nhà sàn của người Lào  

Nhà sàn của người Lào ở Lai Châu – Ảnh: Thảo Ngân (nguồn dulich24.com.vn)

Đáng tiếc là theo thời gian, có lẽ xuất phát từ quan niệm con người đã đủ sức “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” khi ngày càng có nhiều công trình thủy lợi giúp khắc phục những khó khăn về nước, nhiều hoạt động lễ bái trong dân gian đã bị phê phán nhuốm màu sắc mê tín, từ đó một số hình thức tín ngưỡng không còn được khuyến khích và dần đi vào quên lãng, trong đó có lễ hội Bun Vốc Nậm của dân tộc Lào…

PHỤC DỰNG LỄ HỘI BUN VỐC NẬM

Khi Việt Nam bước vào thời mở cửa, cùng với việc phát triển du lịch và mở rộng tiếp thu những tinh hoa của cộng đồng nhân loại, các lễ hội văn hóa dân gian cũng dần được nhìn nhận nghiêm túc, nhờ đó nhiều lễ hội văn hóa truyền thống bị lãng quên đã có cơ hội hồi sinh…

Nà Luồng yên bình bên sông nước  

Bản Nà Luồng yên bình bên sông nước – Ảnh: Thảo Ngân (nguồn dulich24.com.vn)

Trong thực tế, đã có những lễ hội dân gian chỉ có phần “lễ” mà thiếu hẳn phần “hội”, hoặc chỉ có phần “hội” mà không có phần “lễ”, hoặc phần “lễ” và phần “hội” quện vào nhau, khó để tách bạch rạch ròi đâu là “lễ”, đâu là “hội” mà Bun Vốc Nậm là một điển hình…

Tháng 11 năm 2008, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lai Châu cùng với Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường đã tổ chức phục dựng lễ hội Bun Vốc Nậm của dân tộc Lào tại xã Nà Tăm (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), nơi có nhiều bà con dân tộc Lào sinh sống. Tuy việc phục dựng lễ hội Bun Vốc Nậm là điều nên làm nhưng do được kịch bản hóa với nhiều can thiệp có phần chủ quan, lễ hội Bun Vốc Nậm ngày nay đã ít nhiều biến tấu so với nguyên bản.

 Cô gái Lào ở Lai Châu

Cô gái Lào ở Lai Châu – Ảnh: nguồn VNP

Nhận định về lễ hội Bun Vốc Nậm, ông Trần Văn Long - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch Lai Châu đã bộc bạch: “Bun Vốc Nậm là một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Lào. Thông qua lễ hội này có thể thấy dân tộc Lào là cư dân nông nghiệp lúa nước lâu đời. Lễ hội này tôn tạo thêm nét đặc sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà. Lâu nay lễ hội bị bỏ quên là điều đáng tiếc, việc phục dựng lễ hội này sẽ là tiền đề quan trọng. Từ năm sau bà con địa phương sẽ tự tổ chức không cần sự can thiệp của chúng tôi…”

KỊCH BẢN MỚI CHO BUN VỐC NẬM…

Lễ hội Bun Vốc Nậm đã được phục dựng gồm hai phần: “lễ” và “hội”.

Như nhiều nghi thức lễ hội khác, phần “lễ” có mục đích cúng cầu các thần linh về chứng giám, cầu cho mưa thuận gió hòa, người người mạnh khỏe, nhà nhà hạnh phúc… Đoàn rước gồm các nghệ nhân đi thành hai hàng, mở đầu là hai người đánh trống và đánh chiêng, tiến về 3 gia đình văn hóa tiêu biểu của xã. Chủ nhà thay mặt bà con hát xin với thần linh cho mưa đúng thời vụ, cây cối sinh sôi nẩy nở, không bị sâu bệnh phá hoại. Hát xong, chủ nhà cầm muôi, gáo múc nước ở trong một cái chum để sẵn ngay đầu nhà, té đều vào đoàn xin nước trong tiếng cười vui vẻ của cả khách lẫn chủ…

Lễ hội Bun Vốc Nậm

Té nước trong lễ hội Bun Vốc Nậm – Ảnh: nguồn dulichvietnam.com.vn

Phần “lễ” được kéo dài (cũng có người xem đây là phần hội) khi bà con cùng kéo nhau ra suối và té nước vào nhau khiến mọi người tham gia đều ướt sủng (theo quan niệm của dân tộc Lào, càng ướt càng gặp nhiều may mắn)… Sau hoạt cảnh té nước đầy hào hứng, mọi người trở về với gia đình thưởng thức các món ẩm thực làm từ sản phẩm nông nghiệp của chính bà con như cơm lam, xôi màu, bánh trưng (khác với bánh chưng, đây là một loại bánh của bà con dân tộc miền Bắc, được gói như bánh tét ờ miền Nam)…

Trò chơi kéo co  

Trò chơi kéo co trong lễ hội Bun Vốc Nậm – Ảnh: nguồn cungphuot.info

Cho đến lúc này, phần “hội” mới mở ra với các trò chơi đẩy gậy, kéo co… Các bản cử những chàng trai, cô gái khỏe mạnh, khéo léo, xinh đẹp nhất ra đua tài. Bên cạnh đó còn có phần văn nghệ giao lưu của các đoàn đến từ xã Bình Lư, thị trấn Tam Đường với những tiết mục hát, múa đặc sắc của dân tộc Thái… Lễ hội khép lại với phần ném còn hào hứng dành cho tất cả mọi người không phân biệt địa vị xã hội, già trẻ, gái trai, dân tộc... Khi Ông mặt trời từ từ xuống núi cũng là lúc Bun Vốc Nậm kết thúc, trai gái các bản bịn rịn giã từ hẹn gặp lại nhau ở mùa hội năm sau…

BẢN NÀ LUỒNG - ĐIỂM ĐẾN TRÊN VÒNG CUNG TÂY BẮC

Là một bản thuần dân tộc Lào thuộc xã Nà Tăm (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), Nà Luồng hiện có hơn 90 hộ với chừng 400 nhân khẩu. Bên cạnh nghề trồng lúa nước truyền thống, người dân tộc Lào còn biết phát triển những nghề phụ như chăn nuôi, đan lát, dệt thổ cẩm…

 Cầu treo bắc qua dòng Nậm Mu

Cầu treo bắc qua dòng Nậm Mu – Ảnh: Thảo Ngân (nguồn dulich24.com.vn)

Theo sự giải thích của bà con, trong tiếng Lào, “Nà” có nghĩa là ruộng, “Luồng” có nghĩa là con rồng. Đứng từ xa, phóng tầm mắt về bản Nà Luồng có thể nhìn thấy dòng Nậm Mu như con rồng đang uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang của bà con dân tộc Lào…

Từ thành phố Lai Châu, theo con đường 4D về phía Đông Nam chừng 53km, rồi tiếp tục theo con đường nhỏ quanh co uốn lượn bám theo những đồi chè hay rừng cây tái sinh cách trục đường 4D về hướng Đông hơn 7km, du khách sẽ tiếp cận dòng sông Nậm Mu; từ đây cây cầu chênh vênh bắc qua dòng sông sẽ đưa khách đến bản Nà Luồng.

Đặt chân lên cầu, nhìn dòng Nậm Mu hiền hòa chảy bên dưới, du khách dễ có cảm giác như đang bước vào một miền đất bình yên… Nhờ vào vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng bản sắc văn hóa lâu đời, những nếp nhà sàn truyền thống Lào cùng những con người Lào chân chất thật thà và rất mực hiếu khách…, Nà Luồng đang trở thành điểm đến thân thiện với nhiều khách du lịch.

Nghề dệt thổ cẩm ờ Nà Luồng  

Nghề dệt thổ cẩm ờ Nà Luồng – Ảnh: nguồn VNP

Với bản sắc văn hóa độc đáo, Nà Luồng đã được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) chọn tư vấn, đầu tư phát triển thành điểm đến du lịch cộng đồng. Tổng cục Du lịch cũng xem xét đưa vào danh sách các điểm đến trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”. Trong tương lai, Nà Luồng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch lý tưởng để du khách tạm quên những ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị…

• • •

Cùng với nhận thức chung của xã hội, thời gian qua đã có nhiều lễ hội dân gian được hồi sinh đem lại niềm vui cho cộng đồng và cả người phó hội, đó là điểm tích cực rất đáng cổ vũ. Tuy nhiên cũng đã có nơi có lúc, vì nhu cầu phải có lễ hội cho một mục đích nào đó mà người ta đã nhất thời khiên cưỡng, lai tạp làm cho lễ hội mất đi ý nghĩa đặc thù của một cộng đồng nhất định.

Hy vọng cùng với thời gian và sự gạn đục khơi trong, mỗi lễ hội dân tộc sẽ trở thành một bông hoa, một nét văn hóa đặc trưng điểm tô và làm phong phú vườn hoa chung của nhân loại…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành