VIỆT NAM
- Tây Bắc bộ
- Đông Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Duyên hải Bắc Trung bộ
- Duyên hải Nam Trung Bộ
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long
VĨNH PHÚC
Tiêu điểm
ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP
Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp” – "Southeast Asia - Feel The Warmth".
» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh
24/02/2017
NHÀ THỜ ĐÁ CỔ - CÔNG TRÌNH CÒN SÓT LẠI CỦA KHU NGHỈ DƯỠNG TAM ĐẢO
Năm 1902, khi phát hiện thung lũng hình lòng chảo rộng 253ha thuộc dãy núi Tam Đảo ở độ cao 879m so với mực nước biển, nơi chỉ cách Hà Nội chừng 80km với địa hình đồi núi, cảnh quan kỳ thú, khí hậu mát mẻ dễ chịu hội đủ 4 mùa trong một ngày, nhiệt độ trung bình 18ºC, người Pháp đã có ngay ý định xây dựng nơi đây thành khu nghĩ dưỡng cho các quan chức Pháp…
CHỨNG NHÂN CỦA LỊCH SỬ
Với ước mong biến Tam Đảo thành một Đà Lạt của phương Bắc, một “hòn ngọc” của vùng Đông Dương, người Pháp đã nhanh chóng đầu tư xây dựng và chỉ trong một thời gian ngắn, Tam Đảo đã trở thành khu nghỉ dưỡng thơ mộng với 163 ngôi biệt thự cùng các công trình dân dụng nằm rải rác trên các sườn núi, được thiết kế theo phong cách kiến trúc châu Âu thế kỷ XIX. Điển hình trong số đó phải kể đến ngôi thánh đường bằng đá với ngôi tháp chuông cao vút mà đứng ở đâu tại thung lũng cũng đều có thể nhìn thấy.
Mặt tiền nhà thờ Tam Đảo – Ảnh: Wanderlusttips (nguồn timeoutvietnam.vn)
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, rồi người Nhật đầu hàng phe Đồng Minh, tiếp đến những bại binh Pháp từ Trung quốc trở lại Việt Nam… Với bao nhiêu biến cố dồn dập, nhất là từ khi cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc bùng nổ, Tam Đảo đã trở nên hoang vắng và dần đi vào quên lãng. Từ chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của chính quyền Cách mạng Việt Nam, hầu hết các công trình kiến trúc tại Tam Đảo đã bị tàn phá, chỉ riêng ngôi thánh đường được giữ lại do chủ trương không xâm phạm tín ngưỡng, vô hình trung đã trở thành chứng nhân của lịch sử, minh chứng cho một giai đoạn huy hoàng của Tam Đảo.
Toàn cảnh nhà thờ Tam Đảo – Ảnh: nguồn cungphuot.info
Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1954, có lẽ do số giáo dân đã sơ tán hết và thực tế nhà thờ đã phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài, bên cạnh hệ quả của việc “tiêu thổ kháng chiến” khiến cho Tam Đảo không còn một cơ sở vật chất nào khả dĩ sử dụng được, từ đó nhà thờ Tam Đảo đã được chính quyền trưng dụng cho nhiều mục đích khác với việc thờ phượng. Đến ngày 8-8-2008, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định hoàn trả nhà thờ Tam Đảo cho chủ sở hữu là Giáo phận Bắc Ninh. Ngày 2-9-2008, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh cùng 12 Linh mục đã long trọng dâng thánh lễ tạ ơn và cung hiến ngôi thánh đường, trước sự hiện diện của hơn 2.000 giáo dân và khách du lịch...
MỘT THOÁNG NHÌN LẠI
Nguyên nhà thờ Tam Đảo được xây dựng đầu tiên vào năm 1906 khi nơi đây qui tụ chừng 200 giáo dân, ban đầu chỉ là ngôi nhà sàn lợp lá. Đến năm 1937, một ngôi thánh đường kiên cố bằng đá theo kiến trúc Gothic mới được xây dựng và đó chính là công trình còn tồn tại đến ngày nay. Dựa vào thế đất bên triền đồi, người ta đã san lấp tạo ra một mặt bằng lớn nằm cạnh và cao hơn mặt đường đến 10m, bao quanh là bức tưởng bằng đá chắn vững chắc. Từ mặt đường tại hai góc tường, bố trí hai cầu thang khá tinh tế và mỹ thuật, với những bậc đá dẫn lên mặt tiền và mặt hậu nhà thờ ở phía trên.
Bức Tường chắn và cầu thang dẫn lên phía sau nhà thờ – Ảnh: nguồn Trung Du Hotel
Để tạo sự thông thoáng và chia bớt áp lực cho khả năng chịu lực của công trình, ngôi nhà thờ đã được bố trí sâu về phía trong, trước mặt và bên hông trái chừa ra một khoảng sân khá rộng. Ở phần sân bên hông nhà thờ, người ta đã cho xây những ô vòm rộng lớn cũng bằng đá, vừa như tường rào tạo sự an toàn, đồng thời cũng tạo cho ngôi thánh đường một không gian ấm cúng tách bệt với thế giới bên ngoài. Từ khoảnh sân này, du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cảnh thung lũng thị trấn Tam Đảo với những ngôi biệt thự và công trình dân dụng hiện ra mờ ảo trong màn sương…
Sân, ô vòm và tháp chuông – Ảnh: nguồn pcivietnam.org
Ngôi thánh đường được làm toàn bằng đá xanh theo kiến trúc Gothic, diện tích 286m² (dài 26m, rộng 11m), mái lợp ngói Hưng Ký cở lớn. Bên trong không sử dụng các hàng cột như thường thấy, những ô cửa vòm hai bên vách được trang trí bằng kính màu theo nghệ thuật Mosaic, trình bày các ảnh thánh hay sự tích liên quan đến cuộc đời Chúa Giê-su. Nối với mặt tiền nhà thờ về phía sân là một tháp chuông hình trụ vuông hai tầng cao 18m được xây toàn bằng đá, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, trên cùng có đắp hai mái ngói cùng chiều với mái nhà thờ. Tại tầng trên tháp chuông, các mặt được trang trí bằng những ô gạch hoa màu đỏ, ở giữa nổi bật cây thánh giá…
HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI…
Trong thời gian nhà thờ Tam Đảo còn được sử dụng không phải với mục đích phụng vụ, nguyên Giám mục Chính tòa Bắc Ninh bấy giờ là Phạm Đình Tụng đã đặt cho nhà thờ này tước hiệu “Nữ Vương”. Sau khi nhà thờ Tam Đảo được trả về đúng chức năng, Giám mục đương nhiệm Hoàng Văn Đạt đã thêm vào tước hiệu “Hòa bình” thành “Nữ vương Hòa bình”, với niềm mong mỏi Đức Mẹ Maria - Nữ vương Hòa bình sẽ gìn giữ con cái Mẹ và dân tộc Việt Nam luôn được sống trong an bình, hạnh phúc... Vị Chủ chăn Giáo phận cũng ước mong nơi đây sẽ trở thành điểm tĩnh tâm, hành hương không chỉ của giáo dân trong Giáo phận mà còn cả du khách trong và ngoài nước…
Nhà khách “Nữ vương Hòa bình” – Ảnh: nguồn vagsc.com
Để hoàn thành tâm nguyện của vị Chủ chăn, Giáo xứ Vĩnh Yên (đơn vị quản lý nhà thờ Tam Đảo) bên cạnh việc vận động các nhà hảo tâm ủng hộ trùng tu ngôi thánh đường được xây dựng từ 70 năm trước đã bị nhiều hư hao xuống cấp qua thời gian, còn nghĩ đến việc xây dựng nhà lưu trú cho khách hành hương và tĩnh tâm. Năm 2014, một nhà khách bề thế đã được phép xây dựng tại khu đất của nhà xứ Tam Đảo xưa ở phía sau. Sau gần 3 năm xây dựng, ngày 8-8-2016 dịp kỷ niệm 8 năm nhà thờ Tam Đảo được trả lại công năng phụng tự, Giáo phận Bắc Ninh và Giáo xứ Vĩnh Yên đã long trong tổ chức thánh lễ tạ ơn và khánh thành nhà khách “Nữ vương Hòa bình”, được đặt tên theo tước hiệu của nhà thờ Tam Đảo.
Một góc tường chắn bị sạt lở do cơn bão ngày 20/8/2016 – Ảnh: nguồn phapluatplus.vn
Đáng tiếc khi niềm vui khánh thành nhà khách vẫn còn quá mới mẻ, vào khoảng 11 giờ ngày 20-8-2016 do ảnh hưởng của cơn bảo số 3, một góc tường chắn ngay lối đi lên mặt tiền nhà thờ Tam Đảo đã bị sạt lở. Vậy là sau gần 80 năm kể từ ngày xây dựng, bức tường thành tưởng sẽ trơ gan cùng tuế nguyệt đã không trụ vững, đòi hỏi một giải pháp nâng cấp tích cực để bảo đảm cho toàn bộ công trình bằng đá ở phía trên…
● ● ●
Đến Tam Đảo ngày nay, sẽ là thiếu sót nếu du khách không ghé thăm nhà thờ Tam Đảo - công trình kiến trúc toàn bằng đá xanh ghi dấu một thời người Pháp hiện diện tại Tam Đảo, như một chứng nhân lịch sử trầm mặc giữa lãng đãng mây trời…
Đứng bên ngôi thánh đường cổ kính, được đặt tay lên những phiến đá nhuốm màu cổ tích, cảm giác như quá khứ đâu đó hiện về mang theo nỗi buồn miên man mà cũng thật da diết…
Mai Kim Thành
Dòng thời sự
- FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024
(02/12/2024) - LỄ KHAI MẠC NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(14/03/2024) - NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024
(01/01/2024) - FESTIVAL HOA - KIỂNG SA ĐÉC (ĐỒNG THÁP) LẦN THỨ I
(27/12/2023) - LỄ HỘI NHO & VANG NINH THUẬN 2023
(03/06/2023)
Bài mới
- LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN PHỦ
(31/01/2024) - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - ĐIỆN BIÊN PHỦ
(06/01/2024) - HỘI MỪNG GIÁNG SINH TẠI CÁC ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI
(24/12/2023) - PHÚ QÚY - HUYỆN ĐẢO GIỮA BIỂN XANH
(17/12/2023) - LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM TỈNH BÌNH THUẬN
(19/09/2023)
Bài đọc nhiều
- HỒ ĐẠI LẢI - KHU DU LỊCH SINH THÁI HẤP DẪN
(06/10/2012) - DI TÍCH DANH THẮNG TÂY THIÊN (VĨNH PHÚC)
(08/12/2012) - THỦY ĐIỆN YALY (GIA LAI)
(06/04/2013) - ĐỀN SÓC (ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN)
(10/10/2010) - LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN - TÂY NINH
(03/09/2011)
Danh mục nội dung
- TỈNH - THÀNH PHỐ
- LỄ HỘI
- LÀNG NGHỀ
- ĐẶC SẢN
- DI TÍCH - BẢO TÀNG
- ĐIỂM HẸN TÂM LINH
- THẮNG CẢNH
- KHU DU LỊCH
- ĐIỂM ĐẾN KHÁC
TÌM NHANH DỊCH VỤ
- Khách sạn cao cấp
- Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân
- Nhà hàng - Quán ăn
- Bar - Quán giải khát
- Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm
- Nhà sách
- Cho thuê xe du lịch
- Vận chuyển nội thị - Taxi
- Vận chuyển liên tỉnh
- Cho thuê xe tự lái
- Cho thuê xe gắn máy
- Minilab
- Tắm hơi, xoa bóp
- Cắt, uốn tóc
TIN NÓNG KHUYẾN MÃI
Góc thư giãn