Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

TIỀN GIANG


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

15/10/2017

VÕ QUỐC CÔNG MIẾU (GÒ CÔNG - TIỀN GIANG)


Nằm tại đường Nguyễn Thìn thuộc ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, cách trung tâm thị xã chừng 1km về phía Đông, đền thờ Võ Tánh hay Võ Quốc Công Miếu là một trong những công trình tâm linh tại vùng đất Khổng Tước Nguyên (tên chữ của Gò Công), thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh, vị “Khổng Tước Nguyên Võ” của đạo quân Kiến Hòa cuối thế kỷ XVIII và là bậc đệ nhất công thần trung hưng Nhà Nguyễn…

Toàn cảnh Võ Quốc Công miếu  

Toàn cảnh Võ Quốc Công miếu trong ngày giỗ 21-6-2017 – Ảnh: Mk. Thành

THỜI THẾ TẠO ANH HÙNG…

Võ Tánh sinh tại huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc địa phận huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), sau di cư về huyện Bình Dương thuộc trấn Phiên An (tỉnh Gia Định, nay thuộc địa phận thành phố Hồ Chí Minh). Về năm sinh của Võ Tánh, các sử sách triều Nguyễn đều không thấy ghi; một số nhà nghiên cứu đã dựa vào nguyên tắc “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một” trong chọn bạn phối ngẫu khá phổ biến ở miền Nam để đối chiếu với tuổi của công chúa Ngọc Du (sinh 1762) rồi luận tuổi Võ Tánh (sinh 1761 - 1764), song cách suy luận cảm tính này có phần võ đoán; một số tài liệu khác ghi Võ Tánh sinh năm 1768, khi đối chiếu các diễn biến về đời hoạt động của Ông lại tỏ ra hợp lý hơn (!)…

 18 Thôn Vườn Trầu ngày nay

18 Thôn Vườn Trầu ngày nay – Ảnh: nguồn aatravel.vn

Có lẽ trong thời gian Võ Nhàn làm Cai cơ, nhất là trong giai đoạn cùng Đỗ Bảng ly khai chúa Nguyễn rút quân về Ba Giồng (1781), Võ Tánh là em ruột của Võ Nhàn tuy còn nhỏ tuổi cũng có điều kiện tham gia luyện tập võ thuật cùng anh, từ đó đã có mối quan hệ nhất định với các anh em trong đội ngũ quân Đông Sơn. Vì vậy vào năm 1784 khi ở vào độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” cùng với sức vóc tráng kiện của con nhà võ, Võ Tánh đã đủ sức thuyết phục số thuộc hạ còn lại của anh mình tiếp nối đường hướng của quân Đông Sơn và cũng để trả thù cho anh. Sau khi liên kết với các bậc hào kiệt trong vùng, Võ Tánh đã tổ chức dấy binh ở Phù Viên (vườn trầu, vùng Hốc Môn - Bà Điểm ngày nay) nhưng do lực lượng còn non trẻ và ít ỏi, đội quân này đã sớm bị tướng Tây Sơn Trương Văn Đa ra tay hạ thủ không nương tình…

 Gò Công - ngày ấy, bây giờ

Gò Công - ngày ấy, bây giờ – Ảnh: nguồn You Tube

Nhận thấy Phù Viên đất bằng và rộng, dễ công nhưng lại khó thủ, không phù hợp dụng kế lâu dài nên vào cuối năm 1784, Võ Tánh đã kéo tàn quân chạy về Định Tường, nơi Ông từng có thời gian ở cùng nhũ mẫu là người đã chăm sóc nuôi dưỡng anh em Ông từ khi mồ côi mẹ. Với sự bảo trợ của nhũ mẫu, cùng với mục đích ban đầu là bảo vệ xóm làng chống cướp bóc, Võ Tánh đã được người dân Gò Tre và dần dần cả các vùng phụ cận tin tưởng, nhiều hào kiệt và văn tài huyện Kiến Hòa đã về theo giúp sức. Từ những ủng hộ qúy báu này, Võ Tánh đã chọn bãi đất Khổng Tước Nguyên (tên chữ của Gò Công từ 1756) lập căn cứ mới, lấy đất Gò Tre làm Tổng Dinh và chỉ sau hơn một năm, đội binh của Ông đã phát triển đến cả ngàn người.  

Loài chim Khổng Tước  

Loài chim Khổng Tước tiêu biểu của vùng Gò Công xưa – Ảnh: nguồn duytom.com

Nghe tiếng về đội binh của Võ Tánh, tướng Tây Sơn Nguyễn Lữ đã cho người xuống tận Gò Tre chiêu dụ nhưng bị Ông cự tuyệt. Tức giận, Nguyễn Lữ liền cử binh đến vây bắt Võ Tánh nhưng Ông đã kịp trốn vào đống rơm sau nhà. Không tìm được người cần tìm, bọn lính bèn tra khảo bà nhũ mẫu nhưng bà một mực không khai, cuối cùng chúng cũng đành phải rút binh. Bà nhũ mẫu sau đợt tra tấn này đã mang bệnh mà chết, từ đó khắc sâu trong Võ Tánh mối thù với quân Tây Sơn.

 Ao Chùa (xã Bình Nghị)

Ao Chùa (nằm cạnh chùa Bửu Long, đối diện Trường THCS Nguyễn Trọng Dân - ấp Vạn Thành, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông), dấu tích còn lại của ao Đồn Binh xưa – Ảnh: Mk. Thành

Để có điều kiện duy trì đội binh ngày càng đông và phát huy thanh thế, Võ Tánh đã áp dụng chính sách “động vi binh”, nghĩa là khi có giặc thì qui tập thành các đội binh chiến đấu, còn lúc bình thường thì cho khai phá ruộng đất, vừa cày cấy lấy lương thực nuôi quân vừa kết hợp luyện binh, dưỡng quân… Ông cũng đã cho đào những ao giếng tìm mạch nước ngọt cho binh lính và dân chúng sử dụng mà dấu tích còn lại là ao Đồn Binh ở xã Bình Nghị ngày nay; đặc biệt đã cho Mai Tấn Huệ là một thuộc tướng tổ chức đắp đập ngăn nước mặn sông Cửa Tiểu tại làng Bình Luông Trung, nhờ vậy mà binh lính mới canh tác được ruộng lúa làm nguồn tiếp thực và tích trữ quân lương, còn dân chúng quanh vùng cũng được hưởng lợi khi không bị nạn thủy làm thất bát mùa màng, nhờ đó Gò Công đã sớm trở thành miền đất sung túc về lương thực.

 Đường vào Xóm Dinh

Đường vào Xóm Dinh ngày nay – Ảnh: Mk. Thành

Cách Tổng Dinh Gò Tre chừng 3km về hướng Đông có một đầm lầy rộng hàng trăm mẫu, Võ Tánh đã cho đắp đất trồng tre chung quanh làm thành lũy chống giặc, lập Dinh chỉ huy trận mạc tại nơi ngày nay gọi là Xóm Dinh. Từ đánh giá sai lầm đạo quân của Võ Tánh chỉ là giặc cỏ, quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ phái xuống tiểu trừ mấy lần đều chuốc phải thất bại, từ đó đầm lầy tự nhiên vừa là chiến tuyến vừa là bãi chiến trường đã nên danh “thành Vạn Thắng”. Quân Tây Sơn từ đó khiếp sợ Võ Tánh, đã truyền miệng nhau câu xưng tụng “Gia Định tam hùng (Võ Tánh, Đỗ Thanh Nhân và Châu Văn Tiếp), Võ Tánh đệ nhất”.

địa danh “thành Vạn Thắng”  

Trường Tiểu học Nguyễn Thị Tư, nguyên là Trường Tiểu học Vạn Thắng - danh xưng còn sót lại của địa danh “thành Vạn Thắng” xưa – Ảnh: Mk. Thành

Sau những thành công đối đầu với quân Tây Sơn, Võ Tánh tiếp tục chiêu mộ tráng đinh và chỉ trong thời gian ngắn đã lập thành đạo quân Kiến Hòa với quân số hơn một vạn người chia làm 5 chi, 5 hiệu, được toàn quân suy tôn là Tổng nhung. Sử sách gọi đạo quân của Võ Tánh là Kiến Hòa đạo (Gò Công bấy giờ thuộc huyện Kiến Hòa, dinh Trấn Định) và vị Tổng nhung giương ngọn cờ là Khổng Tước Nguyên Võ…

CHÍ LỚN GẶP CHÍ LỚN…

Từ Xiêm La, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã nghe tiếng Võ Tánh và đạo quân Kiến Hòa nên sau khi trở về nước vào năm Đinh Mùi (1787), chúa liền phái Nguyễn Đức Xuyên (Xuân) đến chiêu dụ Võ Tánh nhưng đã bị Ông khước từ. Điều này âu cũng dễ hiểu bởi đối với chúa Nguyễn Phúc Ánh, Võ Tánh còn canh cánh mối hận giết anh (!).    

Bến chợ Tổng Châu  

Bến chợ Tổng Châu (Gò Công) – Ảnh nguồn antg.cand.com.vn

Tuy không ủng hộ Tây Sơn và có mâu thuẩn với chúa Nguyễn nhưng vốn biết nhìn xa trông rộng, Võ Tánh chắc hẳn phải nghĩ đến truyền thống gia đình đã ba đời ủng hộ chúa Nguyễn (ông nội là Võ Đỗ được triều Nguyễn truy tặng chức Cai Cơ, cha là Võ Toán được tặng chức Chưởng Cơ, anh là Võ Nhàn làm quan đến chức Cai Cơ vốn là thuộc tướng của Đỗ Thanh Nhân), do vậy dù có từ chối lời mời của chúa Nguyễn Phúc Ánh nhưng cái đạo tôi trung ảnh hưởng sâu đậm từ tư tưởng Khổng, Mạnh vẫn khiến Ông phải ray rứt, đắn đo… Sau một thời gian cân nhắc, thay vì án binh xem hai nhà Nguyễn tranh hùng để thủ lợi, Võ Tánh đã kéo quân từ Gò Công chặn đường rút của quân Tây Sơn do tướng Phạm Văn Tham chỉ huy tại rạch Kỳ Hôn (nay thuộc Chợ Gạo) như một tín hiệu gởi đến chúa Nguyễn, với ba trận xuất kích đều chiến thắng.

 Làng hoa Tân Qui Đông

Tại vùng đất tụ nghĩa năm xưa nay hiện diện một làng hoa nổi tiếng tồn tại đã trăm năm – Ảnh: nguồn dulich.sadec.dongthap.gov.vn

Cuối năm 1787, chúa Nguyễn lại sai Nguyễn Đức Xuyên tới Gò Công thuyết phục Võ Tánh. Lần này Võ Tánh đã biết đặt nghĩa nước cao hơn tình nhà, gác lại mối thù riêng và hứa hội quân cùng chúa Nguyễn. Qua mấy tháng vẫn không thấy động tĩnh gì từ Võ Tánh, tháng Tư năm Mậu Thân (1788) chúa Nguyễn lại sai Tống Phước Giáo đem chiếu qua triệu, lần này Võ Tánh dẫn 4 phó tướng tin cẩn gồm Võ Văn Lượng, Nguyễn Văn Hiếu, Mạc Văn Tô, Trần Văn Tín đều là người Gò Công đến bái yết chúa Nguyễn tại Long Hưng - Nước Xoáy (Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp).

 Gạo và trứng

Gạo và trứng tượng trưng cho thành quả lao động – Ảnh: nguồn rungvangbienbac.com

Tương truyền Võ Tánh có mang theo hai mâm quả làm lễ ra mắt, một đựng gạo và một đựng trứng gà là những sản vật từ ruộng đất và công lao của nghĩa quân Kiến Hòa. Các tướng của quân Nguyễn thấy thế cười tỏ ý coi thường nhưng chúa Nguyễn Phúc Ánh biết Võ Tánh dùng tích “Thiên lý cống nga mao, lễ khinh nhơn ý trọng” nên để bày tỏ lòng mình, đã lệnh lấy một nắm gạo và một trứng gà nấu riêng cho mình một bát cháo, còn bao nhiêu đổ vào nồi lớn nấu chia cho tướng sĩ để cùng nếm trải hương vị trung dũng của con người vùng đất Khổng Tước Nguyên. (!)

 Lễ khinh nhơn ý trọng

“Lễ khinh nhơn ý trọng” – Ảnh: nguồn Stickpng.com

Được đạo quân Kiến Hòa gồm cả vạn quân có kỷ luật và thiện chiến về phò tá, chúa Nguyễn Phúc Ánh vui mừng như hổ mọc thêm cánh, phong cho Võ Tánh chức Khâm sai Tổng nhung Chưởng cơ dinh Tiền quân, các phó tướng theo Ông đều được bổ làm Cai cơ. Về phần mình, khi đầu quân cùng chúa Nguyễn, Võ Tánh cũng muốn xác định niềm tin được gửi gắm đúng chỗ, xem mục tiêu của chúa Nguyễn cũng là mục tiêu của đời mình…

 Tái hiện đám cưới công chúa thời Nguyễn

Tái hiện đám cưới công chúa thời Nguyễn tại Festival Huế (Phò mã đi rước dâu) – Ảnh: nguồn tintuc.hues.vn

Phải chăng khi đối diện với chàng trai tuổi đôi mươi có xuất phát điểm cũng giống như mình (từ tuổi 17), chúa Nguyễn Phúc Ánh không khỏi chạnh lòng nghĩ đến những ngày bôn tẩu vào sanh ra tử đầy cay đắng nghiệt ngã ngay từ khi còn là một thiếu niên, rồi trong cách hành xử, mặc cho nhiều lời can gián vẫn đưa ra quyết định nông nỗi khi giết Đỗ Thanh Nhân, tiếp đến là các thuộc hạ Võ Nhàn và Đỗ Bảng, đã vô tình đẩy những người cùng chiến tuyến vào thế đối nghịch…, từ đó trong chúa đã nảy sinh ý tưởng gã em gái như một sự đền bù để hóa giải mối thâm thù nơi Võ Tánh?  

Công chúa ngồi trên võng  

Cô dâu là công chúa ngồi trên võng được lính kiệu đi – Ảnh: nguồn tintuc.hues.vn

Qua năm sau, khi em gái là công chúa Ngọc Du (con gái thứ 2 của Hưng Tổ) theo Hiếu Khang hoàng hậu từ Phú Quốc về đến Gia Định, chúa Nguyễn đã quyết định hạ giá cho Võ Tánh. Tuy công chúa Ngọc Du có hơn Võ Tánh đến 6 tuổi nhưng tuổi tác không phải là điều quan trọng đối với chuẩn tắc hoàng gia, lại là trong thời chiến (!). Điều này đã cho thấy chúa Nguyễn Phúc Ánh hết sức qúy mến và tin cậy người thanh niên họ Võ, và biết đâu trong thâm tâm chúa cũng hy vọng nhờ nhiều tuổi hơn mà công chúa Ngọc Du sẽ đóng trọn vai trò vừa là hiền thê vừa là “anh cả - chị đầu” khi thay thế người anh đã khuất chăm sóc cho Võ Tánh?...     

THÀNH BÌNH ĐỊNH LƯU DẤU VỊ ANH HÙNG

Tháng 5/1799, Võ Tánh và Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức tháp tùng chúa Nguyễn tiến đánh thành Hoàng Đế, tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh phải mở cửa thành xin hàng. Chiếm được thành, chúa Nguyễn Phúc Ánh đổi tên thành “Bình Định” và giao cho Võ Tánh cùng Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ rồi rút đại binh về Gia Định.  

Cổng thành Hoàng Đế  

Cổng thành Hoàng Đế – Ảnh: Nguyễn Thị Quên (nguồn khamphadisan.com)

Tháng 2/1800, hai tướng Tây Sơn là Thái phó Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân từ Phú Xuân vào tấn công thành Bình Định nhưng Võ Tánh dụng kế “đóng chặt cửa thành không động binh”. Biết Võ Tánh có ý cầm cự lâu để làm suy yếu lực lượng đối phương, Trần Quang Diệu cho đắp lũy chung quanh thành và chia quân bao vây 4 mặt, còn Võ Văn Dũng chỉ huy thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại.

Tháng 4/1800, chúa Nguyễn Phúc Ánh mang thủy và bộ binh ra cứu viện, bị quân Tây Sơn chặn đánh không tiếp ứng nhau được, đành phải đóng quân tại chỗ, tới tháng 12 mới rút quân về Gia Định. Tháng 2/1801, chúa Nguyễn Phúc Ánh lại kéo quân giải cứu thành Bình Định. Lần này thủy quân chúa Nguyễn đánh thắng thủy quân Tây Sơn do Võ Văn Dũng chỉ huy tại cửa Thị Nại nhưng vẫn không giải vây được thành.

Thành cổ Hoàng Đế  

Thành cổ Hoàng Đế – Ảnh: Che Trung Hieu (nguồn Panoramio.com)

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, chúa Nguyễn Phúc Ánh quyết định bỏ thành để cứu tướng nhưng Võ Tánh sợ hao binh tổn tướng đã không đồng tình, bèn sai người lẻn ra ngoài dâng biểu mật tâu: “Tướng giỏi quân mạnh của ngụy Tây đều cả đây, Phú Xuân bỏ không. Làm kế ngày nay, không gì bằng đổi ngói lấy vàng. Xin để thành Bình Định ra ngoài không tính đến, nhân lúc bỏ không, đánh thẳng lấy Phú Xuân, cũng là một cơ hội tốt. Lấy Phú Xuân khấu thay một mạng thần, thần cho là đủ rồi”. Nghe theo kế sách của vị tướng tín cẩn, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã cho quân tấn công và chiếm được Phú Xuân vào tháng 5 năm Tân Dậu (tháng 6/1801).

 Khai quật khảo cổ thành Chà Bàn

Khai quật khảo cổ thành Chà Bàn (tiền thân của thành Hoàng Đế) năm 2012 – Ảnh: nguồn mapio.net

Được tin kinh đô Phú Xuân mất về tay chúa Nguyễn, hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng liền chia quân ứng cứu nhưng ra đến Quảng Nam thì bị tướng Lê Văn Duyệt của chúa Nguyễn chặn đường đành phải trở lui. Ở vào tình huống chẳng đặng đừng, Trần Quang Diệu ra lệnh cho quân lính ráo riết công kích thành Bình Định. Trước nguy cơ thành bị thất thủ, có người khuyên Võ Tánh nên lẻn trốn ra ngoài, nhưng ông đã cự tuyệt: “Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy Chúa thượng?"

Thành Hoàng Đế đang được quy hoạch  

Thành Hoàng Đế đang được quy hoạch tu bổ, tôn tạo – Ảnh: nguồn ibst.vn

Khi tình thế đến lúc bức bách, biết không thể giữ thành vì sức cùng lực kiệt, Võ Tánh đã viết thư gởi Thái phó Trần Quang Diệu với lời lẽ khí khái: “Trong thành lương ăn hết, không thể giữ được nữa, tướng quân thua trận mà chết là việc của ta, ta đã quyết kế rồi, quân lính không có tội chớ nên giết hại…”  Ngày 5-7-1801, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Ngày 7-7-1801 (nhằm ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu) Võ Tánh tự thiêu tại lầu bát giác.

Lầu Bát Giác, nơi Võ Tánh tuẩn tiết  

Lầu Bát Giác, nơi Võ Tánh tuẩn tiết với bia ghi công Võ Tánh & Ngô Tùng Châu – Ảnh: nguồn vietlandmarks.com

Cảm phục trước tấm lòng trung nghĩa và cái chết đầy khí phách của kẻ từng đối đầu trực tiếp một mất một còn với mình, Thái phó Trần Quang Diệu đã “chảy nước mắt, lấy lễ mà chôn cất”, đồng thời Ông cũng không giết hại quân sĩ như yêu cầu của Võ Tánh.  Điều này chứng tỏ Trần Quang Diệu cũng là bậc trượng nghĩa, một chính nhân quân tử, đã lấy tấm lòng nghĩa hiệp của người anh hùng thắng thế mà đối đãi với vị anh hùng sa cơ… 

Tại Phú Xuân, khi nhận được tin Võ Tánh hy sinh, chúa Nguyễn Phúc Ánh đau lòng như mất một người thân. Sách Đại Nam thực lục chép:“Vua nghe tin Võ Tánh và Ngô Tùng Châu chết, đau buồn thương tiếc, khóc mãi không thôi, bảo bầy tôi rằng: Bọn Tánh chết như thế là vẹn tiết, tuy bậc trung liệt đời xưa như Trương Tuần, Hứa Viễn cũng không hơn được.”

 Mộ Võ Tánh

Mộ Võ Tánh và mộ Thống binh Nguyễn Tấn Huyên – Ảnh: nguồn kienthuc.net.vn

Trong bài văn tế Phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu sau đó, danh sĩ Đặng Đức Siêu đã nêu bật những phẩm chất cao đẹp và sự hy sinh anh dũng của hai vị danh tướng bằng những câu biền ngẫu đầy cảm xúc:

"Đạo thần tử hết lòng thờ Chúa, gian nan từng trải dạ trung trinh.
Đấng anh hùng vì nước hy sinh, điên bái chẳng sai lòng tiết nghĩa.
Ngọc dù tan, vẻ trắng nào phai
Trúc dù cháy, tiết ngay vẫn để.”

Cách vị Hậu quân không phải gốc Bình Định chọn cho mình cái chết đầy nghĩa khí tại nơi vốn là đất dựng nghiệp, đồng thời cũng là một trung tâm của thế lực Tây Sơn buổi đương thời đã làm lay động lòng người… Thương cảm bậc trung thần và cái chết tiết liệt của Võ Tánh, người dân Bình Định lưu truyền câu ca dao:

“Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên,
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm.”

Tháp Cánh Tiên không xa  

Tháp Cánh Tiên không xa lầu bát giác – Ảnh: nguồn vovidu.blogspot.com

Có lẽ sau khi triều đình đưa tro cốt vị Hậu quân về quê, người dân Bình Định bấy giờ cảm phục tấm lòng nhân nghĩa của Võ Tánh, đã đắp lại di tích mộ phần, đồng thời cũng giữ gìn và trùng tu lầu Bát Giác, nơi Ông tử tiết để ghi dấu một vị anh hùng…

VỀ GÒ CÔNG THĂM VÕ QUỐC CÔNG MIẾU

Tại vùng đất Gò Công, người dân nhiều nơi thờ kính Võ Tánh - người tạo nên tên tuổi với “Khổng Tước Nguyên Võ” và “đạo quân Kiến Hòa” trên một vạn quân âu cũng là lẽ thường tình, bởi chính Võ Tánh đã đem lại sự yên bình cho người dân vùng Gò Tre trước nạn trộm cướp một thời hoành hành, đã giúp người dân địa phương hưởng dụng những tiện ích như có nguồn nước ngọt để sử dụng, có đường đi lối lại để thuận tiện giao thương, thậm chí có cả thành quả thủy lợi chế ngự những diễn biến bất lợi từ thiên nhiên…

 Cổng và hàng rào đền thờ Võ Tánh

Cổng và hàng rào đền thờ Võ Tánh mới xây dựng (2017) – Ảnh: Mk. Thành

Người Gò Công còn có lý do để tôn thờ Võ Tánh bởi trong số quân sĩ theo Ông trấn thành Bình Định, đã có đến hàng ngàn thanh niên Gò Công vốn thuộc đạo quân Kiến Hòa xưa. Chính nhờ sự hy sinh đầy nghĩa khí của vị chủ tướng mà hàng ngàn thanh niên Gò Công đã được giải cứu khỏi cái chết và bình yên trở về cùng gia đình. Ơn cứu mạng này đã được người dân Gò Công ghi tạc và cụ thể hóa bằng việc lập các cơ sở thờ tự. Không chỉ vậy, cả người mẹ nuôi của Võ Tánh cũng nhận được sự tôn kính trọng thị. 

 Mã Bà Cố

Mã Bà Cố (trùng tu năm 2011) – Ảnh: Mk. Thành

Trên địa bàn Gò Công có khá nhiều miếu, đình, dinh, lăng phối thờ Võ Tánh cùng các vị Thần chủ khác, duy chỉ có Võ Quốc Công miếu tại nơi xuất phát đạo quân Kiến Hòa là độc lập thờ Võ Tánh. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), vua ban sắc cho hơn 20 ngôi đình ở Gò Công, thờ vị Thành hoàng bổn cảnh Thượng đẳng thần là Hậu quân Hoài quốc công Võ Tánh. Các đình khác lập sau cũng được vua Bảo Đại ban sắc thờ Chưởng hậu quân Võ Quốc Công.

 Ban thờ trong miễu Bà Cố

Ban thờ trong miễu Bà Cố (trùng tu năm 2011) – Ảnh: Mk. Thành

Tương truyền khoảng năm 1802, sau khi chúa Nguyễn Phúc Ánh hoàn thành mục tiêu thống nhất lãnh thổ, các nhà khoa mục và phú hào tại Gò Tre đã thành lập Tập Nghĩa Hội và vận động dân chúng trong vùng hiến ruộng hương hỏa, lập miễu thờ Võ Tánh ngay tại nơi Ông đã từng khởi binh, lập đạo quân Kiến Hòa. Trên phần tư điền rộng chừng 7 công (7.000 ) do tổ tiên ông Ngô Văn Lầu ngụ trong làng hiến tặng, ngôi miễu thờ Võ Tánh đã được dựng lên gần mã Bà Cố là nghĩa mẫu của Võ Tánh và người dân cung kính gọi miễu là “Lăng Ông”. Từ cách gọi này mà vào năm 1963 khi chính quyền sáp nhập một phần ấp Cầu Huyện và Láng Trên của Gò Tre thành ấp mới, đã đặt tên “Lăng Ông” là tiền thân của ấp Gò Tre ngày nay.

 Nhà thờ Võ Quốc Công (1956)

Nhà thờ Võ Quốc Công xây dựng năm 1956 – Ảnh: Dothanhphong.com

Năm 1916, Tập Nghĩa Hội được người Pháp chính thức cấp phép hoạt động và phát triển mạnh nhờ hai vị kỳ lão là cựu Phó Tổng Võ Văn Hườn và ông Hội đồng Địa Hạt Trần Văn Quảng… Về sau có ông Lê Quang Liêm, Đốc Phủ Sứ hồi hưu về Gò Công gia nhập Tập Nghĩa Hội, đã đứng xin sắc Thần và được triều đình Huế gởi vào tờ sắc, ghi ngày rằm tháng Tám năm Bảo Đại thứ 18 (1943), phong cho Võ Tánh là “Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.

 Tờ sắc của vua Bảo Đại

Tờ sắc của vua Bảo Đại được giới thiệu trong ngày giỗ 26 tháng Năm, năm Đinh Dậu (20-6-2017) – Ảnh: Lê Thanh Nghị (P. VHTT thị xã Gò Công)

Trong bộ sách 2 cuốn “Gò Công - những dấu ấn nổi bật” do các ông Trần Văn Đạt, Trần Nghĩa Đời và ông Lê Thiện Tùng (nguyên Phó tỉnh trưởng tỉnh Gò Công từ 1964-1975) cùng biên soạn, các tác giả đã cung cấp những thông tin qúy báu về quá trình hình thành Võ Quốc Công miếu: “Ban đầu, miễu Võ Quốc Công cất tại căn nhà lợp tôle phía trái bấy giờ. Trước miễu có võ ca, bên phải là nhà khách dùng đãi tiệc. Trong miễu thờ Võ Quốc Công, nhà khách thờ Bà Cố (Mẹ nuôi của Võ Quốc Công), Tiền vãng Hậu vãng… Ngoài sân lúc ấy có một cây da cổ thụ cành lá sum suê.”

“Đến năm 1956, tỉnh xuất công quỹ 120.000$ chỉnh trang lại khu vực phía bên phải lúc bấy giờ có sẵn ngôi miếu Điền, để xây thành miễu thờ Võ Quốc Công khang trang hơn…”

 Võ Quốc Công miếu xây dựng năm 1956

Võ Quốc Công miếu xây dựng năm 1956 đã bị xuống cấp qua thời gian – Ảnh: Huỳnh Mai (Báo Cần Thơ) 

“Sau khi chỉnh trang, khu Võ Quốc Công miếu gồm ba dãy: Nhà thờ Võ Quốc Công bên phải, Nhà thờ Bà Cố lợp tôle bên trái, ở giữa là gian nhà khách. Từ năm 1964, vì nhu cầu an ninh, cơ quan quân sự mượn căn nhà khách và Nhà thờ Bà Cố làm cơ sở đồn trú nên Hội phải thỉnh dời tất cả linh vị về tại Miễu thờ Võ Quốc Công. Đến năm 1973, đồn binh rút đi, chánh quyền xã Long Thuận trích công nho 500.000$ cộng với 150.000$ do dân chúng đóng góp để tu bổ, chỉnh trang lại.” 

Võ Quốc Công miếu trùng tu năm 2017  

Võ Quốc Công miếu hoàn thành trùng tu năm 2017 – Ảnh: Mk. Thành

Tại nhà thờ Võ Quốc Công bấy giờ, chính giữa đặt ban thờ, trên có đặt bài vị và chiếc hòm kiếng chứa sắc phong Thần. Sát phía bên trái có ban thờ Bà Cố. Ngoài hai bên thờ Văn Ban (trái) và Võ Bá (phải), còn có ban thờ Thổ Công, ban thờ Hành binh, Hành khiển và ban thờ Hội Đồng… Tại phía vách trái có treo một khuôn kiếng, lộng bài tiểu sử và công nghiệp Võ Quốc Công do cụ Giáo học Nguyễn Huỳnh Mai soạn và chấp bút.

Chánh điện tại ngôi nhà mới

Chánh điện tại ngôi nhà thờ mới trùng tu - ngày giỗ Võ Tánh (21-6-2017) – Ảnh: Mk. Thành

Từ sau năm 1975, Võ Quốc Công miếu hầu như bị quên lãng và dần xuống cấp theo thời gian, tuy vậy việc thờ cúng vẫn được người dân trong khu vực duy trì. Ngày 25-7-2005, Võ Quốc Công miếu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tháng 12/2014, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII” nhằm phân tích, tìm hiểu và đi đến nhận thức đúng đắn về một con người đã từng có những đóng góp nhất định vào quá trình hình thành và phát triển vùng đất Gò Công xưa.

Nhà thờ Võ Quốc Công trùng tu năm 2017

Nhà thờ Võ Quốc Công hoàn thành trùng tu năm 2017 – Ảnh: Mk. Thành

Năm 2016, Võ Quốc Công miếu được trùng tu trên cơ sở bảo tồn di tích Võ Quốc Công miếu cũ được chỉnh trang từ năm 1956, điều thú vị là vừa tròn một lục thập hoa giáp theo cách tính can, chi. Với vốn đầu tư hơn 6 tỷ từ ngân sách Tỉnh Tiền Giang, không chỉ nhà thờ Võ Quốc Công và nhà khách được tôn tạo, nâng nền và chiều cao đề phòng ngập lụt, cả cổng tam quan và hàng rào cũng được xây mới, ao nước được bê-tông hóa, sân cũng được tráng một phần và tạo thêm cảnh quan… Công trình cơ bản hoàn thành vào đúng dịp giỗ Võ Tánh, 26 & 27 tháng 5 năm Đinh Dậu (20 & 21-6-2017) và đến ngày 18-10-2017 được chính thức khánh thành.

● ● ●

Có thể nói ở đâu và lúc nào, việc đền ơn đáp nghĩa cũng được người dân Việt đề cao, xem đó là cung cách ứng xử, là khuôn vàng thước ngọc thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc… Đối với Võ Tánh, người dân Gò Công càng có lý do để kính ngưỡng khi chính Ông ngoài việc đem lại cho vùng đất này sự bình yên và trù phú, còn đưa tên tuổi Khổng Tước Nguyên của Gò Công đi vào sử sách chỉ sau 30 năm khi vùng đất vô danh này trở thành địa danh của nước Việt… 

Lễ khánh thành trùng tu

Biểu diễn đờn ca tài tử tại Lễ khánh thành trùng tu Võ Quốc Công Miếu (18-10-2017) – Ảnh: Mk. Thành 

Bỏ qua một bên những uẩn khúc của lịch sử và bất cập trong nhận thức con người, xin cùng người dân Gò Công trong ngày vui Võ Quốc Công miếu được tôn tạo và khánh thành, thắp nén nhang lòng thành kính hướng vọng về vị anh hùng, người đã đưa tên tuổi Gò Công bay cao, bay xa… 

Mai Kim Thành    
(Dịp khánh thành trùng tu Võ Quốc Công miếu)    

Tham khảo:

- Đại Nam Thực lục, Tập 1, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch Viện Sử học Việt Nam, NXB Giáo Dục 2007.

- Đại Nam Liệt truyện, phần Chính biên (sơ tập), Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần - 2014.

- Nguyễn Phúc tộc thế phả, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, NXB Thuận Hóa - Huế 1996.

- Kỷ yếu hội thảo khoa hoc “Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII” (Tài liệu lưu hành trong hội thảo), Mỹ Tho 12/2014.

- Gò Công - những dấu ấn nổi bật, Trần Văn Đạt - Trần Nghĩa Đời - Lê Thiện Tùng biên soạn, Hội Ái hữu Gò Công tại California - 2013.

- Các tài liệu trên mạng internet...

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành