Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

BÀ RỊA - VŨNG TÀU


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

10/03/2019

VỀ LONG HẢI DỰ LỄ HỘI DINH CÔ


Tọa lạc trên triền đồi Kỳ Vân, nơi mũi Thùy Vân tiếp giáp biển và nhìn ra vịnh Long Hải thơ mộng, Dinh Cô là một công trình tín ngưỡng dân gian gắn với truyền thuyết về một thiếu nữ hiển linh. Hàng năm cứ vào những ngày từ 10 đến 12 tháng Hai âm lịch, thị trấn Long Hải thuộc huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lại rộn ràng với lễ hội Dinh Cô (còn gọi là Vía Cô), thu hút hàng vạn khách thập phương khắp nơi về phó hội...

NƠI MỘT OAN HỒN UỔNG TỬ HIỂN LINH

Tương truyền vào khoảng triều vua Minh Mạng (1820 - 1840), có gia đình ông Lê Văn Khương (quê quán Phan Rang) thường dong thuyền vào tận Bà Rịa, Gò Công buôn bán. Trong một lần vào Nam, khi thuyền neo đậu tại vũng Mù U (Long Hải), cảnh trí hữu tình của vùng đất nơi đây đã làm nảy sinh lòng yêu cảnh, mến người khiến con gái duy nhất của ông Khương là Lê thị Hồng Thủy lúc ấy mới 16 tuổi, xin cha cho chọn vùng đất này lập cư nhưng ông đã một mực khước từ. (*)

Khu di tích Mộ Cô

Khu di tích Mộ Cô trên đồi Cô Sơn – Ảnh: Mk. Thành

Một hôm trên đường về quê khi thuyền của ông Khương đi ngang qua mũi Thùy Vân (thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền ngày nay) thì xảy ra sự cố: dây lèo buồm bung ra đã khiến cô Thủy bị gạt rơi xuống biển mà không ai hay biết. Đến khi phát hiện sự mất tích của con gái, ông Khương đã cùng những người đi thuyền ra sức tìm kiếm suốt ba ngày liền nhưng vẫn không thấy, đành buồn bả quay trở về quê nhà. Được mấy ngày sau, xác cô gái đã trôi dạt vào Hòn Hang, một cụ già làng Phước Hải phát hiện và bà con Phước Hải đã chôn cất Cô tử tế trên đồi Cô Sơn gần nơi tìm thấy xác. Ngôi mộ này nhờ luôn được cát bồi đắp mà cỏ không mọc được, chỉ duy có một cây đa mọc bên cạnh che mát ngôi mộ...   

 Mộ Cô sau trùng tu

Mộ Cô sau trùng tu được bài trí trong ngôi nhà mồ khang trang – Ảnh: Mk. Thành

Một thời gian sau, tại địa phương này xảy ra dịch bệnh hoành hành, đã lấy đi sinh mạng của nhiều người. Trong tình cảnh hoang mang cực độ, có người đã nằm mơ thấy Cô báo mộng sẽ giúp dân làng qua khỏi cơn tai ương. Bà con đã thắp nhang cầu khẩn Cô và dịch bệnh cũng nhanh chóng biến mất. Những ngư dân từ xa nghe tiếng lành cũng tới đây cầu khấn, họ đã truyền tụng với nhau về những điều được Cô giúp đỡ, phù trì, chở che trong những chuyến đi biển và cả trong cuộc sống thường ngày... Từ đó người dân trong vùng đã tôn xưng Cô là “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”.

Phần Mộ Cô được ốp đá hoa cương  

Phần Mộ Cô được ốp đá hoa cương thật đẹp và trang trọng – Ảnh: Mk. Thành

Ngày 30-5-1999, Ban Quản trị Khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô đã khởi công trùng tu tôn tạo khu Mộ Cô với diện tích quy hoạch 1,32ha gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 trùng tu khu Mộ Cô với kinh phí gần 650 triệu đồng, khánh thành ngày 27-11-1999; Giai đoạn 2 xây dựng bờ kè giáp vòng Mộ Cô và hệ thống chiếu sáng với kinh phí hơn 180 triệu đồng, hoàn thành ngày 08-12-2000; Giai đoạn 3 với công trình xây dựng bờ kè chắn sóng và trải nhựa đường trước cổng Mộ Cô với kinh phí hơn 200 triệu đồng, kết thúc vào ngày 18-12-2003. Tất cả đều được thực hiện bằng nguồn vốn của nhân dân địa phương và khách thập phương dâng cúng.

Từ Mộ Cô nhìn xuống biển Long Hải  

Từ Mộ Cô nhìn xuống biển Long Hải – Ảnh: Mk. Thành

Điều khá thú vị là khi khởi công trùng tu khu Mộ Cô, công nhân đào móng đã phát hiện một tấm bia đá có nội dung: “MINH MẠNG ĐƯƠNG NIÊN THẦN NỮ CHI MỘ” (chữ lớn, dòng giữa); “HOÀNG - Bính Dần niên tứ nguyệt nhị thập nhật, Nguyễn Văn Cầu tạc thạch” (dòng bên trái); “ĐẾ - Nương Nương quy vị nhị nguyệt thập nhị nhật” (dòng bên phải). Qua bia mộ này có thể biết được đôi chút thông tin của người nằm dưới mộ như ngày, tháng mất (12-2 âm lịch, trùng với ngày vía - lễ hội Dinh Cô); ngày, tháng, năm (20-4 Bính Dần) và họ, tên người lập bia (Nguyễn Văn Cầu). Từ đó có thể phỏng đoán Cô mất dưới triều vua Minh Mạng và bia được lập vào năm 1866 hoặc trễ hơn (1926).

TỪ MIẾU CÔ ĐẾN DINH CÔ

Để tri ân Cô đã phù hộ bà con thoát cơn dịch bệnh hiểm nghèo và cầu mong Cô tiếp tục độ trì, ngư dân Long Hải đã lập ngôi miếu nhỏ bằng cây lá sát bờ biển, cách mộ Cô chừng 1km về phía Tây, định ngày 12-2 âm lịch hàng năm (ngày mất của Cô) làm “lệ” cúng tế. Về sau do bị thủy triều xâm thực, ngôi miếu này đã được dời lên chân núi Thùy Vân. Đến đầu thế kỷ XX, Miếu Cô được xây dựng lại với mái ngói hẳn hoi, trở thành Điện thờ Cô, dân địa phương quen gọi là Điện Cô. Vào khoảng năm 1930, do có sự tranh chấp đất đai giữa ông Bang Biện Phạm Văn Cang với ông Vercode (người Pháp), Điện Cô một lần nữa được dời lên đồi Kỳ Vân, tại vị trí hiện nay. Lúc này Điện Cô được ngư dân địa phương xây dựng lại khá khang trang bằng vật liệu đá và xi-măng cốt thép, cung kính gọi là “Dinh Cô”. 

Miếu Cô trước 1930 

Miếu Cô trước 1930 (tranh phù điêu tại Dinh Cô) – Ảnh: Mk. Thành

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Nhà Nguyễn (viết vào nửa cuối thế kỷ 19), khi giới thiệu về núi Thùy Vân là một phần của dãy núi Minh Đạm ngày nay, đã có đề cập đến Điện thờ Cô: “Núi Thùy Vân cách huyện lỵ Phước An 12 dặm về phía Đông Nam. Trên núi có chùa Hải Nhật (là chỗ trông ra biển đón mặt trời), dưới núi có vũng Sơn Trư (Bãi Heo). Ngoài mỏm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi là mỏm Dinh Cô, trước kia có người con gái chừng 17, 18 tuổi, bị bão gạt đến đây, được người địa phương chôn cất, sau đó mộng thấy người con gái ấy đến đây giúp đỡ, người ta cho là thần, lập đền thờ.”

Dinh Cô nhìn xuống biển Long Hải  

Từ nhà Võ ca (Dinh Cô) nhìn xuống biển Long Hải – Ảnh: Mk. Thành

Trước “Đại Nam nhất thống chí” hơn 50 năm, sách “Gia Định thành thông chí” do Trịnh Hoài Đức chấp bút, khi mô tả núi Thùy Vân cũng có nhắc đến chùa Hải Nhật nhưng không thấy đề cập đến đền thờ Thần Nữ ngoài mõm Dinh Cô. Điều này giúp phỏng đoán cho đến thời điểm “Gia Định thành thông chí” xuất bản, đền thờ Cô (Dinh Cô) chưa có mà mãi đến khoảng thời gian từ cuối những năm 20 đến những năm 60, 70 của thế kỷ XIX mới được thiết dựng.

 Phòng khách trưng bày nhiều xiêm y, áo, mão

Phòng khách trưng bày nhiều xiêm y, áo, mão của Cô do khách thập phương dâng cúng – Ảnh: Mk. Thành

Vào ngày mồng 8 Tết Đinh Mão (1987), một trận hỏa hoạn xảy ra đã thiêu rụi hoàn toàn bên trong chánh điện, bà con ngư dân đã quyên góp tiền của xây dựng lại Dinh Cô. Đến năm 1989, đã xây thêm trước chánh điện một ngôi nhà hai tầng theo thế tựa sơn, tầng dưới làm nơi tiếp khách, tầng trên là nhà Võ ca. Trong các năm 1992 - 1993, đã xây dựng Phật đài Quan Thế Âm Bồ tát và nhà khách. Sau khi được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia (16-01-1995), Dinh Cô được trùng tu tôn tạo năm 1999 theo tinh thần xã hội hóa công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, với lối kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang nhiều nét cổ kính...

Dinh Cô ngày nay  

Dinh Cô ngày nay với cơ ngơi bề thế, chỉnh chu – Ảnh: Mk. Thành

Trải qua nhiều lần tu bổ, Dinh Cô ngày nay là một cơ ngơi bề thế gồm nhiều kiến trúc liên hoàn, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển với tổng diện tích xây dựng gần 1.000m². Toàn bộ công trình khá chỉnh chu với cổng tam quan nằm dưới chân mũi Thùy Vân được đắp nổi hình hổ và rồng theo tích “Long Hổ hội” và lối dẫn lên nhà Võ Ca trước chánh điện gồm 41 bậc cấp rộng rãi, rợp mát bởi tán cây che phủ và rực rỡ sắc hoa sứ vào mỗi độ Xuân về.

Tại chánh điện Dinh Cô  

Chư thần phẩm được tôn trí tại chánh điện Dinh Cô – Ảnh: Mk. Thành

Tại Chánh điện, ngoài Bà Cô là nhân vật trung tâm được tôn xưng “Long Hải Thần Nữ”, ngư dân Long Hải còn phối thờ cả một hệ thống thần phẩm đông đảo, đại diện cho rất nhiều dòng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc khác nhau, sống trên nhiều địa bàn khác nhau như Cửu Huyền Thất Tổ của Bà Cô gồm cả Bố là Ông Lê Văn Thương và Mẹ là Bà Thạch Thị Hà, Chúa Cậu hay nhị vị công tử gồm Cậu Tài và Cậu Qúy, Ngũ Hành Nương Nương, Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Mẹ Sanh, Diêu Trì Phật Mẫu, Tứ Pháp Nương Nương, Văn Bang Hội Đồng, Ông Địa, Thần Tài...   

 Cổng tam quan

Cổng tam quan dưới chân mũi Thùy Vân – Ảnh: Mk. Thành

Với giá trị của một di tích in đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà chủ thể trực tiếp là ngư dân, những người sống bằng nghề biển ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Dinh Cô đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia theo quyết định số 65QĐ/BT ngày 16-01-1995. 

LỄ HỘI DINH CÔ

Hàng năm, ngư dân Long Hải tổ chức long trọng lễ hội Dinh Cô trong ba ngày 10 - 11 - 12 tháng Hai âm lịch, còn gọi là “lệ” Cô hay ngày vía, ngày giỗ Cô. Đây là một trong những lễ hội nước lớn nhất của cư dân ven biển Nam bộ, thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu-Nữ thần kết hợp lễ hội Cầu Ngư, với nhiều nghi thức, tình tiết khá cầu kỳ cả trên bờ lẫn dưới biển, ít nhiều đã làm lúng túng các nhà nghiên cứu.

Đoàn người về dự lễ hội Nghinh Cô  

Đoàn người về dự lễ hội Nghinh Cô đông nghẹt cả đường đi – Ảnh: Hằng Nguyễn (nguồn foody.vn)

Với cách hiểu “Dinh” là đền thờ hay điện thờ, có nhà nghiên cứu đã dựa vào nghi thức hành lễ để cho rằng phải gọi lễ hội ở Dinh Cô là “Nghinh Cô” mới đúng. Cũng có nhà nghiên cứu gọi đây là lễ rước Bà Thủy - một tên gọi mang đặc điểm chung của lễ hội nước... Thực tế từ bao đời nay, ngư dân Long Hải vẫn dùng cụm từ “lễ hội Dinh Cô” và hiểu đây là dịp vía Bà Cô, còn việc cung nghinh trên biển vào sáng 12 tháng 2 âm lịch là nghi thức Nghinh Ông (Ông Nam Hải) và Nghinh Bà Lớn (Thủy thần) cùng nhập điện trong ngày vía Cô.

 Nghi thức thỉnh Long vị

Nghi thức thỉnh Long vị – Ảnh: nguồn vungtaungaymoi.com

Trong những năm gần đây, nghi thức trong lễ hội Dinh Cô không mấy thay đổi:

   * Ngày 10

Thỉnh Long vị: Lễ hội Dinh Cô bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng với nghi thức thỉnh Long vị Ông Nam Hải (cá Voi), Bà Lớn (Thủy thần) và Thành hoàng Bổn Cảnh (Nguyễn Huỳnh Đức) về đặt trong chánh điện Dinh Cô.

- Cúng an vị: khoảng 9 giờ sau một hồi chiêng trống, Chánh bái cùng các vị trong các Ban Quản lý Dinh Cô, Miếu Bà, Đình Thần, Dinh Ông lạy cúng và đoàn Bả trạo diễn bài hát an vị...

Cúng Tiền hiền: diễn ra tại nhà Tiền hiền cạnh chánh điện sau cúng an vị.

Tụng niệm cầu quốc thái dân an: vào khoảng 3 giờ chiều, tại bàn thờ trước tượng Phật Bà Quan Âm sẽ diễn ra lễ tụng niệm cầu quốc thái dân an, đặc biệt do ni cô thực hiện.

 Ghe thuyền trong lễ cúng Tiên thường

Hàng trăm ghe thuyền trong lễ cúng Tiên thường – Ảnh: nguồn mytour.vn

   * Ngày 11

- Cúng Tiên thường: là nghi thức chuẩn bị lễ cúng chính thức vào sáng sớm hôm sau, bắt đầu vào khoảng 3 giờ chiều. Lúc này hàng trăm thuyền ghe của các làng cá Long Hải, Phước Hải, Phước Tĩnh, Vũng Tàu và một số từ miền Trung vào, được kết cờ hoa lộng lẫy tề tựu về neo đậu và hướng mũi vào trước Dinh Cô thực hiện nghi thức “chầu Cô”.

Múa lân sư rồng và các trò chơi dân gian: tổ chức vào buổi sáng với nhiều trò chơi dân gian và các môn thể thao liên quan đến vùng sông nước, như thi bắt cá, bắt lươn, đập niêu đất, đi cà kheo, thi khiêng cá, đẩy cây, kéo co, nhảy bao bố, đua thuyền thúng...

 Nghinh Ông Nam Hải và Bà Thủy thần

Nghinh Ông Nam Hải và Bà Thủy thần nhập điện – Ảnh: nguồn photocontest.vietnamheritage.com.vn

   * Ngày 12

- Nghinh Ông Nam Hải và Nghinh Bà Thủy Thần nhập điện: là một trong những nghi thức quan trọng nhất tại lễ hội Dinh Cô, diễn ra vào sáng sớm ngày chính lễ. Sau khi kiệu Ông Nam Hải, kiệu Bà Thủy Thần được rước ra biển, linh vị Ông và Bà được chuyển lên đặt trước mũi một ghe lớn nhất, trang hoàng nổi bật nhất. Chánh Bái và Phó Bái luôn đứng trước linh vị, đoàn Bả trạo đứng giữa ghe sát hai bên mạn thuyền.

Đoàn ghe tiến ra khơi chạy dọc theo bờ biển khoảng 2km, đến đối diện với Mộ Cô thì dừng lại làm lễ cúng mời Ông Nam Hải, có hát Bả trạo. Đoàn ghe tiếp tục di chuyển hướng Tây Bắc, đến đối diện Miếu Bà Lớn và cách bờ chừng 2km thì làm lễ cúng mời Bà Lớn. Sau đó đoàn ghe quay mũi ra khơi chạy một đoạn rồi hướng vào bờ, hai linh vị được kiệu về lại Dinh Cô.

Trong khi tiến hành Nghinh Ông và Nghinh Bà ngoài biển, với tiếng chiêng trống vang vọng một vùng biển suốt chặng đường đoàn ghe đi qua, thì trên bờ trước Dinh Cô diễn ra cuộc biểu diễn lân sư rồng đầy sinh động.

Biểu diễn Lân Sư Rồng  

Biểu diễn Lân Sư Rồng trong lễ hội Dinh Cô – Ảnh: nguồn Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

- Lễ Xây chầu Đại bội: là nghi thức khấn niệm trấn tà và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá, tượng trưng cho việc khai sơn chiếu gió, mở 12 cửa rừng và 12 cửa biển... Bằng loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghi lễ này còn giúp vui cho dân làng qua lời ca tiếng hát mang nhiều ý nghĩa...

- Chương trình diễn tuồng và hát bội: thường bắt đầu vào lúc 8 giờ tối, xen kẻ chương trình diễn tuồng là múa bông tam hiền dâng lên Cô.

Lễ Tống Thánh: bắt đầu lúc 0 giờ, là nghi thức cuối cùng kết thúc ba ngày lễ hội. Các linh vị Thành Hoàng Bổn Cảnh, Ông Nam Hải và Bà Thủy thần được đưa về lại Đình Thần, Lăng Ông và Miếu Bà Lớn.

● ● ●

Là một lễ hội nghề nghiệp gắn với nghề đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương, lễ hội Dinh Cô tuy không thuộc loại lâu đời nhưng đã sớm trở thành một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân ven biển Nam bộ. Sự tụ hội và cô đọng của nhiều dòng văn hóa, tín ngưỡng cùng những niềm tin thánh tín mang màu sắc thần bí đã trở thành nét riêng độc đáo của lễ hội Dinh Cô.

Bãi tắm Dinh Cô 

Bãi tắm Dinh Cô, điểm dừng chân thú vị – Ảnh: nguồn bietthubien.com

Trẩy hội Dinh Cô ngoài những người sùng tín còn có cả tao nhân mặc khách, những nam thanh nữ tú đi tìm sự rung cảm của con tim. Điều thú vị của khách tham quan không dừng lại ở những lễ nghi hay hội hè mang tính truyền thống, mà còn ở toàn cảnh bãi tắm Dinh Cô thơ mộng trong những ngày hội nhiệt náo rộn ràng... Đây chính là những yếu tố tích cực, góp phần đưa du lịch Long Hải nói riêng và Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung đi vào lòng người và ngày càng hấp dẫn khách du lịch... 

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

(*): Theo nội dung được tạc trên bia đá tại Dinh Cô, ông Lê Văn Khương có quê quán Tam Quan - Bình Định và cô con gái có tên Lê Thị Hồng, tục Thị Cách; các tình tiết cũng có đôi điểm khác biệt. Thực tế đây chỉ là tương truyền, nên việc chọn câu chuyện dân gian nào nêu bật được cái “duyên” đã đưa Cô đến với vùng đất Long Hải ắt cũng không thừa (!).

Tham khảo:

- Đinh Văn Hạnh, Lễ Hội Dinh Cô Long Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu, vanchuongviet.org 

- Gia Định thành thông chí, 3 tập, Nha Văn hóa, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972.

- Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, NXB Thuận Hóa, Huế 1992.

- Monographie de la province de Baria et la ville Cap Saint Jacques, L. Ménard, Saigon, 1902.

- Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1995.

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành