Loading 0%
Home
 TÌM NHANH DỊCH VỤ Khách sạn cao cấp Khách sạn - Nhà nghỉ bình dân Nhà hàng - Quán ăn Bar - Quán giải khát Chợ - Siêu thị - Hàng lưu niệm Nhà sách Cho thuê xe du lịch Vận chuyển nội thị - Taxi Vận chuyển liên tỉnh Cho thuê xe tự lái Cho thuê xe gắn máy Minilab Tắm hơi, xoa bóp Cắt, uốn tóc

Vietnam


VIỆT NAM

ĐỒNG THÁP


Tiêu điểm

ĐÔNG NAM Á-CẢM NHẬN SỰ ẤM ÁP

Trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN 2012 (ATF 2012) tổ chức tại thủ phủ Manado, tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) từ ngày 08 đến 15 tháng 01 năm 2012, đã diễn ra các hoạt động đáng chú ý như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 15, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác, Hội chợ Du lịch Travex…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, các Bộ trưởng đã thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, tăng cường kết nối ASEAN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch ASEAN, đặc biệt Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 đồng thời công bố khẩu hiệu xây dựng thương hiệu mới cho ngành du lịch ASEAN: “Đông Nam Á - Cảm nhận sự ấm áp”"Southeast Asia - Feel The Warmth".


» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

08/06/2013

LÀNG HOA TÂN QUY ĐÔNG (SA ĐÉC - ĐỒNG THÁP)


Nằm về phía bờ Nam sông Tiền cạnh vành đai tuyến tỉnh lộ 848 thuộc thị xã Sa Đéc - tỉnh Đồng Tháp, làng hoa Tân Quy Đông hay còn được biết đến với tên gọi làng hoa Sa Đéc là một làng nghề truyền thống với lịch sử thăng trầm cả trăm năm. Nơi đây khắp bốn mùa được bao phủ bởi những thảm hoa rực rỡ đủ muôn hồng nghìn tía khiến khách đến thăm thú ngỡ như lạc vào một thế giới của sắc màu với những hương thơm thanh cao và quyến rũ…

Làng hoa Tân Qui Đông  

Làng hoa Tân Quy Đông – Ảnh: Mi Hương (nguồn news.zing.vn)

THĂNG TRẦM MỘT LÀNG HOA

Nép mình bên dòng nước sông Tiền quanh năm gió lộng, làng hoa Tân Quy Đông tuy không phải là kỳ tích của thiên nhiên nhưng nhờ niềm đam mê lẫn tình yêu hoa kiểng của nhiều thế hệ nghệ nhân, lại được kết tinh bởi thổ nhưỡng và nguồn nước trĩu nặng phù sa như dòng sữa Mẹ ươm mầm nuôi dưỡng, đã trở thành vựa hoa kiểng lớn nhất vùng đất Nam bộ.

 Hoa Xuân Sa Đéc

Hoa Xuân Sa Đéc – Ảnh: Trương Quang Minh (nguồn sotaydulich.com)

Nguyên làng hoa được hình thành trên địa bàn xã Tân Quy Đông từ những năm đầu thế kỷ XX. Thoạt đầu, một vài hộ nơi đây trồng hoa chỉ để trang trí và biếu tặng nhau trong những dịp tết đến Xuân về. Dần dần, số hộ trồng hoa đã tăng lên và mục đích kinh doanh cũng được xác định. Cho đến nay, số hộ trồng hoa đã phát triển đến hàng ngàn, trong đó có hơn 1.500 hộ trồng chuyên nghiệp với hơn 1.000 chủng loại hoa kiểng khác nhau và địa bàn trồng hoa cũng lan rộng ra các khóm Sa Nhiên, Tân Quy Tây, Tân Khánh Đông, phường 3 (thị xã Sa Đéc), xã Tân Mỹ (huyện Lấp Vò)…, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp công nhận làng nghề truyền thống.

Hoa Cát tường  

Hoa Cát tường – Ảnh: wildflower (photobucket.com)

Nếu trước đây làng hoa kiểng Tân Quy Đông chỉ sản xuất theo “vết hằn kinh nghiệm” với phương thức “cha truyền con nối” và do chưa được đầu tư đúng mức đã phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thì ngày nay bước vào thời hội nhập, khi cơ hội tiếp cận và vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng nhiều, làng hoa đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bổ sung nhiều loài hoa qúy hiếm và mới lạ, xây dựng trung tâm lai tạo nhân giống cấy mô, lập chợ đầu mối để tiêu thụ hoa kiểng… Những yếu tố này đã góp phần tích cực đưa làng hoa khởi sắc bước vào thời hoàng kim…

Hoa Nữ hoàng  

Hoa Nữ hoàng – Ảnh: Tạ Đình Nguyên Huy (nguồn flickr.com)

Tuy chỉ với khoảng 300ha đất nhưng hoa kiểng đã mang lại cho thị xã Sa Đéc sự thịnh vượng vượt bậc, với doanh thu năm 2006 đạt 29 tỉ đồng, năm 2007 đạt 42 tỉ đồng và đến năm 2012 đã lên đến trên 115 tỉ… Có điều tổng giá trị sản xuất tăng nhanh phi mã cũng bao hàm những yếu tố bất cập có nguy cơ đẩy làng hoa vào con đường tự đánh mất chính mình. (!)

Hoa Rạng đông và Dứa Nam Mỹ  

Hoa Rạng đông và Dứa Nam Mỹ – Ảnh: wildflower (photobucket.com)

Tân Quy Đông từ lâu đã trở thành một địa danh khá quen thuộc với khách sành điệu trong giới nghệ thuật chơi hoa kiểng, và sản phẩm hoa kiểng với thương hiệu “Sa Đéc” đi đến đâu cũng được đón nhận cách trọng thị, cho dù ở trong hay ngoài nước. Điều này chứng tỏ nghệ thuật ở Tân Quy Đông đã có bề dày truyền thống và được tín nhiệm của đông đảo khách hàng…

NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU

Từ lâu nghề trồng hoa kiểng trên thế giới đã được xếp vào loại nghệ thuật độc đáo mang nhiều tính nhân văn, một nỗ lực bổ sung nhằm tái tạo phần nào thiên nhiên bị con người tàn phá. Tại miền Nam Việt Nam ngay từ những năm 1930, khi nhắc đến khái niệm “văn minh miệt vườn”, nhiều người đã biết liên hệ đến nghệ thuật trồng hoa kiểng của miệt Tân Quy Đông như một hình thái độc đáo của nền văn minh sông nước.

 Mênh mông những giàn hoa

Mênh mông những giàn hoa – Ảnh: wildflower (photobucket.com)

Điểm đặc biệt so với những nơi khác, hoa ở Tân Quy Đông được đặt trên những giàn cao để tận dụng nguồn nước lên từ những con rạch nhỏ. Theo giải thích của một chủ vựa hoa, do hoa Tết phải xuống giống từ giữa năm, lúc đang vào mùa nước nổi nên nhà vườn phải lập giàn để đưa hoa lên cao. Lâu rồi thành lệ, những giống hoa gieo vào vụ tiếp sau cũng được cho lên giàn. Hình ảnh người trồng hoa đứng trên những con thuyền lướt nhẹ để chăm sóc hay thu hoạch bên những giàn hoa đã trở thành vẻ đẹp sông nước rất dung dị chỉ có ở làng hoa Tân Quy Đông, tuy vậy đằng sau đó là cả một tình cảnh éo le khi người trồng hoa luôn phải lội nước hay bùn sình để chăm bón cho từng luống hoa…

 Làng hoa mùa nước nổi

Làng hoa mùa nước nổi – Ảnh: nguồn mytour.vn

Tân Quy Đông không chỉ được biết đến về hoa mà còn rất nổi tiếng bởi các loài cây kiểng, trong đó có Vạn niên Tùng là loại cây thời thượng được giới nhà vườn dí dỏm xếp vào hàng “đại đế” của các loài hoa kiểng ở đất phương Nam. Từ các loại Sơn Tùng, Ngọa Tùng, Tùng Hổ phách, Tùng Nhật Bản… đến Kim quýt, Nguyệt quới, Mai vàng, Mai chiếu thủy…, các nghệ nhân Tân Quy Đông đã không ngừng sáng tạo để hình thành các thế phu thê, mẹ bồng con, thác đổ, nghinh phong… mà mỗi thế cây dáng đứng tuy rất giản dị đời thường nhưng lại hàm chứa nhiều tính nghệ thuật, chuyển tải cả một triết lý, những truyền thuyết hay cảm nghiệm sâu xa về cuộc đời…

 Bon sai mai vàng

Bonsai Mai vàng – Ảnh: nguồn thomasthanhnguyentu.blogspot.com

Với kinh nghiệm truyền thừa cả trăm năm, hoa kiểng Tân Quy Đông ngày nay không chỉ có mặt ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn đến cả Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, một số tỉnh phía Bắc thậm chí cả trong các lễ hội của thành phố hoa Đà Lạt… Hoa kiểng Tân Quy Đông còn vinh dự có mặt tại một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia…

LÀNG HOA - ĐIỂM ĐẾN NGẬP TRÀN SẮC XUÂN

Theo quy luật của tự nhiên, mỗi khi Xuân về là muôn hoa đua nở. Ở làng hoa kiểng Tân Quy Đông, do người dân trồng hoa quanh năm nên cả bốn mùa đều mang đậm sắc Xuân. Đặc biệt vào dịp gần Tết Nguyên đán, trên khắp mọi nẽo đường nơi đây đều ngập tràn muôn hoa.

Những sắc màu Tân Qui Đông  

Những sắc màu Tân Quy Đông – Ảnh: nguồn nguoimientay.info

Đến làng hoa Tân Quy Đông vào những ngày cận Tết, du khách sẽ tận mắt chứng kiến “trăm hoa đua nở” đúng như cách mà nhiều người vẫn ví von về vùng đất này. Nhiều loại hoa phục vụ Tết như Cúc Mâm xôi, Cúc Đài Loan, Cúc Tiger, Hồng Tam muội, Hồng nhung, Vạn thọ… cùng các loại kiểng như Mai vàng, Mai chiếu thủy, Tùng Nhật, Trang, Thược dược, Kim phát tài, bông Giấy, Vạn lộc, Phú qúy, Thịnh vượng, Hòn ngọc viễn Đông… Không phải không có lý khi có người cho rằng Tân Quy Đông là nơi mùa Xuân đến sớm nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trang bonsai  

Trang bonsai được uốn tỉa công phu – Ảnh: wildflower (photobucket.com)

Nếu có dịp được thả bộ dọc theo bờ sông Tiền, men theo đường tỉnh lộ 848 hoặc Lê Lợi, Sa Nhiên - Cai Dao, Sa nhiên - Ông Thung, du khách sẽ được chiêm ngắm không chỉ làng hoa hay vườn hoa mà cả một rừng hoa với đủ kỳ hoa dị thảo đua nhau khoe sắc. Riêng con đường “Vườn Hồng” từ bờ sông Tiền chạy ra sông Sa Đéc là vương quốc của hoa Hồng với trên 50 giống Hồng lộng lẫy kiêu sa, đặc biệt có loại Hồng xanh rất kỳ lạ, qua bàn tay chăm sóc thuần hóa của các nghệ nhân Tân Quy Đông đang ngày ngày ra hoa làm đẹp cho đời…  

 Du khách tham quan làng hoa

Du khách tham quan làng hoa – Ảnh: Trần Thiết Dũng (tetviet.doanhnhansaigon.vn)

Mỗi năm, làng hoa kiểng Tân Quy Đông đón tiếp hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn. Du khách đến đây ngoài việc mãn nhãn với các loài hoa đa dạng và phong phú, còn cảm thấy thích thú khi được nghe các nghệ nhân giới thiệu về đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần lẫn kinh tế của từng loại hoa. Hiện nay làng hoa Tân Quy Đông đã trở thành một thương hiệu du lịch, một điểm đến khá lý tưởng cho khách du lịch cả trong và ngoài nước mỗi khi có dịp đến với đồng bằng sông Cửu Long…

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê  

Chính diện nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Ảnh: nguồn bloggazin.com

Du lịch đến Sa Đéc, du khách còn có dịp thưởng thức những đặc sản địa phương như hủ tiếu Sa Đéc, nem Lai Vung…, những công trình kiến trúc vang bóng một thời như ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở số 225A Nguyễn Huệ với lối kiến trúc cửa mang phong cách La Mã thời kỳ phục hưng thế kỷ XVII, được nhiều người biết đến qua tiểu thuyết cùng bộ phim L’amant (Người tình) của nữ văn sĩ Marguerite Dumas ghi dấu thiên tình sử mặn nồng và đầy trắc trở mang tên “Thủy Lê - Duras”; ngôi nhà cổ 49 Nguyễn Huệ mang nét hiện đại lẫn cổ kính với những hình chạm tinh xảo hằn vết thời gian trên đỉnh mái ngói rêu phong; những ngôi chùa tuyệt đẹp như Kim Huê, Minh Hương…

 Chùa Kim Huê

Chùa Kim Huê – Ảnh: Mi Hương (nguồn news.zing.vn)

● ● ●

Nếu các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải lúng túng với những sản phẩm du lịch đơn điệu và khá giống nhau làm nản lòng khách tham quan, thì làng hoa Tân Quy Đông vẫn nổi lên như một điểm sáng thu hút sự quan tâm của những ai yêu thích cảnh sông nước miệt vườn Nam bộ. Điểm đáng buồn là trong thời gian gần đây, đang khi làng hoa có tổng giá trị sản xuất tăng nhanh cũng là lúc những người có trách nhiệm phải giật mình nghĩ đến chuyện “phú qúy giật lùi”, bởi với cách làm ăn áp đặt kiểu “đông mặt đắt hàng”, người làng hoa đã dần đánh mất niềm tin nơi khách hàng, dẫn đến việc nhà vườn bị động khi thương lái chơi khăm, xuất hiện trễ vào những mùa thu hoạch.

Sắc màu lá kiểng  

Sắc màu lá kiểng – Ảnh: wildflower (photobucket.com)

Hy vọng người làng hoa sẽ có bước điều chỉnh hợp lý, cân nhắc giữa “lợi nhuận” và “lòng tin” để vừa không đánh mất nét chân chất cố hữu của cư dân đồng bằng Nam bộ, vừa giữ được làng vườn Tân Quy Đông mãi là điểm đến hấp dẫn ngày càng nhiều khách tham quan…

Mai Kim Thành     

Dòng thời sự

 1 2 3 4

Bài mới

 1 2 3 4

Bài đọc nhiều

 1 2 3 4

Danh mục nội dung

TÌM NHANH DỊCH VỤ

TIN NÓNG KHUYẾN MÃI

Góc thư giãn


 

Trang chủ Liên hệ Đầu trang
Share to Google Share to Facebook Share to Twitter Share to MySpace Stumble It Share to Reddit Share to Delicious Share to Eamil More...

Copyright © 2010 by Mai Kim Thành